Sáng 13/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm 79.000 tỷ đồng; gia hạn 121.000 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện 6 tháng đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 70.300 tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 28.300 tỷ đồng; gia hạn khoảng 42.000 tỷ đồng).
Dự kiến miễn, giảm, gia hạn thuế, phí khoảng 200.000 tỷ đồng trong năm 2023
Trong 200.000 tỷ đồng thuế, phí dự kiến được miễn, giảm, gia hạn, đáng chú ý là chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng VAT (từ 10% xuống 8%) để kích cầu tiêu dùng, áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến 31/12/2023. Dự kiến việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm sẽ làm giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 20.000 tỷ đồng và tháng 1/2024 khoảng 4.000 tỷ đồng.
Chính sách gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 110.000 tỷ đồng.
Hay như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng từ 1/7/ 2023 đến hết ngày 31/12/2023. Theo dự kiến của Bộ Tài chính, chính sách sẽ làm giảm thu NSNN trong năm 2023 khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.
Cùng với đó là việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến tác động làm giảm thu NSNN trong thời gian gia hạn khoảng 10.400 - 11.200 tỷ đồng…
Thu ngân sách giảm gần 8%
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 875.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 57,1% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 50,6% dự toán.
Theo thống kê, thu nội địa đạt 53,9% dự toán, giảm 4,7% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 72,9% dự toán, giảm 15% so với cùng kỳ; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 52,9% dự toán, giảm 20,6% so cùng kỳ.
Bộ Tài chính cho biết, có 30 địa phương thu nội địa 6 tháng ước đạt trên 50% dự toán, trong đó 14 địa phương đạt trên 55% dự toán; 9 địa phương thu cao hơn cùng kỳ; 54 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp hơn so cùng kỳ.
Trong chiều ngược lại, theo Bộ Tài chính, chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 804.600 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán. Như vậy sau tháng đầu năm, NSNN bội thu hơn 71.000 tỷ đồng.
"Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài; Thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết", Bộ Tài chính cho biết.
Thu phí bảo hiểm 117.000 tỷ đồng, chi trả quyền lợi 35.700 tỷ đồng
Liên quan đến thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt khoảng 117.000 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản đạt 868.700 tỷ đồng, tăng 12,2%. Đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 725.100 tỷ đồng, tăng 14,76%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,1%.
Bộ Tài chính sẽ thanh kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm trong 6 tháng cuối năm
Mới đây trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trong 6 tháng cuối năm Bộ Tài chính sẽ thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm (3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ), kiểm tra với 5 doanh nghiệp bảo hiểm (3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ).
Trước đó, ngày 30/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động liên kết với ngân hàng gồm: Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas), Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life (Sun Life) và Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ BIDV Metlife (BIDV Metlife). Kết quả công tác thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.81375100131703202-3202-man-gnort-gnod-yt-000002-gnaohk-ihp-euht-nah-aig-maig-neim/et-hnik/nv.vtv