Theo Hãng tin Reuters, ngày 13-7, ứng viên thủ tướng Thái Lan Pita Limjaroenrat bước vào bài kiểm tra quan trọng về sức ảnh hưởng chính trị của ông, khi Quốc hội nước này bỏ phiếu bầu thủ tướng mới.
Chính khách 42 tuổi này là ứng cử viên duy nhất được đề cử cho chức thủ tướng vào ngày 13-7, nhưng ông phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đảm bảo có được hơn một nửa số phiếu ủng hộ của các nghị sĩ tại Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra chiều 13-7.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra khoảng 2 tháng sau khi Đảng Tiến bước (MFP) dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan và hình thành liên minh 8 đảng.
Với kết quả bầu cử vừa qua, quá trình đi tới chiếc ghế thủ tướng Thái Lan của ông Pita có thể sẽ không dễ dàng. Liên minh 8 đảng do MFP lãnh đạo đang chiếm 312 trong số 500 thành viên của Hạ viện. Tuy nhiên, ứng cử viên cần ít nhất 376 phiếu bầu để có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan, vì cuộc bỏ phiếu còn có sự tham gia của 250 thượng nghị sĩ.
Như vậy ông Pita Limjaroenrat sẽ cần thêm 64 phiếu từ các đảng đối thủ hoặc các thành viên bảo thủ tại Thượng viện Thái Lan. Theo báo Bangkok Post, các nhà quan sát chính trị nhận định đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn vì các thượng nghị sĩ này trước đây được bổ nhiệm vào thời kỳ quân đội nắm quyền.
Tân Chủ tịch Hạ viện Wan Muhamad Noor Matha - lãnh đạo Đảng Prachachat nằm trong liên minh 8 đảng - cho biết liên minh sẽ ủng hộ ông Pita, nhưng nếu ứng viên thủ tướng này không nhận được đa số phiếu bầu từ lưỡng viện, việc đề cử ông Pita có thể lặp lại vài lần. Ông Wan đang không chắc cuộc bầu chọn thủ tướng có thể lặp lại bao nhiêu lần.
Hôm 12-7, chỉ một ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông Pita đã đối diện rắc rối lớn: Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita vì cáo buộc sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông trong quá trình vận động tranh cử, vi phạm luật bầu cử.
Ủy ban bầu cử (EC) Thái Lan hôm nay 12-7 đề xuất đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita Limjaroenrat thuộc Đảng Tiến bước (MFP), dù ngày mai bỏ phiếu bầu thủ tướng.