Đó là thông tin được các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại họp báo chiều 13-5. Trước đó, khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã phẫu thuật, điều trị thành công cho nữ bệnh nhân H.B. (43 tuổi, trú TP Điện Biên).
Đồng hành cùng bệnh nhân vượt “cửa tử”
Cụ thể, ngày 22-4, mái tóc dài của chị B. bị cuốn vào máy khoan khi phụ chồng khoan giếng. Theo đó, toàn bộ da trán và da đầu mang tóc của chị bị lột đứt phăng rời khỏi hộp sọ, cuốn nghiền nát trong máy khoan. Các mạch đứt khiến máu chảy xối xả.
Sau đó, đến 11h đêm cùng ngày, vượt quãng đường 500km, bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai vào lúc 11h đêm, sau tai nạn 12 tiếng.
Đến nay, mảng da đầu của chị B. đã được nối thành công và dần hồi phục, mái tóc của chị đang dần phủ kín da đầu.
Theo TS.BS Thái Duy Quang - khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, tại Bệnh viện Đa khoa Điện Biên, bệnh nhân được sơ cứu vùng da đầu lóc khỏi hộp sọ. Khi vào viện, bệnh nhân có dấu hiệu sốc mất máu. Tuy nhiên, các bác sĩ đã sơ cứu, hồi sức như cầm máu, cho thở máy…
Sau khi sơ cứu tại Điện Biên, bệnh nhân được làm thủ tục để chuyển viện về Hà Nội. Cách nơi xảy ra tai nạn hơn 500km, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã lên phương án cấp cứu. Song khi thấy thùng chuyên dụng đựng da đầu, lực lượng y tế lo lắng trước hai phần mảnh da đầu đứt làm đôi.
"Chúng tôi thống nhất kiểu gì cũng phải nối và giữ tối đa phần da đầu, nang tóc cho bệnh nhân", bác sĩ Quang nhấn mạnh.
Theo bác sĩ này, các bác sĩ chia làm 3 kíp. Trong đó có 2 kíp làm sạch, chuẩn bị mạch tại mảnh da đầu và 1 kíp phẫu thuật tìm và chuẩn bị mạch tiếp nhận. Sau đó, các bác sĩ thực hiện nối lại động mạch, tĩnh mạch của bệnh nhân. Phẫu thuật kết thúc sau 6-7 tiếng đồng hồ.
Ngay sau phẫu thuật, các bác sĩ nhận định mảng da đầu bên phải của bệnh nhân khá trọn vẹn, còn mảng da đầu bên trái vẫn còn phải theo dõi thêm. Sau 1 tuần, tóc của chị B. bắt đầu có dấu hiệu mọc lại, các mối nối mạch có vẻ an toàn.
“Đây không phải là phẫu thuật mới, tuy nhiên tổn thương rất hiếm gặp. Bên cạnh đó, việc nạn nhân thiếu máu kéo dài trên 12 tiếng thì tỉ lệ thất bại rất cao. Tuy nhiên sau khoảng 2 tháng, da đầu của bệnh nhân sống đến trên 90%, bệnh nhân đã có thể tươi cười và trở lại cuộc sống bình thường”, bác sĩ Thái Duy Quang nói.
TS.BS Phạm Thị Việt Dung - trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai - nói thêm phần da đầu nang tóc của bệnh nhân không hồi phục được (khoảng 5% da đầu) nên phẫu thuật tạo hình có thể phẫu thuật sau 6 tháng để tạo thẩm mỹ.
Bệnh nhân các tỉnh sẽ có cơ hội chữa bệnh ngay tại tuyến tỉnh
Tại họp báo, PGS Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - chúc mừng bệnh nhân H.B. và khẳng định: “Trường hợp của chị rất hy hữu không chỉ vì mất da đầu mà ảnh hưởng nguy kịch đến tính mạng do sốc đau đớn, sốc mất máu. Tuy nhiên các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Điện Biên đã sơ cứu, cấp cứu, hồi sức tích cực để tránh sốc cho bệnh nhân và bảo quản toàn bộ miếng da đầu sau quãng đường di chuyển xa.
Khi xuống Hà Nội, tình trạng của bệnh nhân còn nặng nề nhưng được duy trì tình trạng ổn định sau 12 tiếng. Việc nối da cho bệnh nhân B. khi tóc mọc đều sẽ ít ai biết chị bị tai nạn như vậy. Có thể nói đây là phẫu thuật thành công ở cả kỹ thuật và my thuật", PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
Theo ông Cơ, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đầu tư, xây dựng các khoa phòng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bệnh nhân. Hiện, hầu hết các kỹ thuật của bệnh viện không chỉ ở mảng thẩm mỹ mà còn ở mảng tạo hình.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện như tại Nam Định để bệnh nhân hưởng chất lượng y tế tốt nhất ngay từ tuyến tỉnh. Thời gian tới, bác sĩ Cơ hy vọng các bệnh viện cấp tỉnh có thể phẫu thuật được các ca khó như trường hợp chị B., thay vì phải về Hà Nội.
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết các bộ ngành đã thống nhất về khoản đầu tư 1.200 tỉ đồng từ ngân sách cho bệnh viện này.