Sáng 13-7, kỳ họp thứ mười sáu HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV đã biểu quyết thông qua 18 nghị quyết, trong đó có Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thu hút đầu tư cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP
Theo tờ trình của UBND tỉnh Lai Châu, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh Lai Châu cũng đặt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%-11%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 116,6 triệu đồng/người/năm, huy động vốn đầu tư cho phát triển giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 168.000 tỉ đồng.
Năm 2030, thu ngân sách địa bàn trên 4.500 tỉ đồng và khách du lịch đạt trên 2 triệu lượt người...
Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện, bền vững.
Các đột phá phát triển trong giai đoạn 2021-2030 được tỉnh Lai Châu đặt ra, đó là tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Thu hút đầu tư cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP. Phát triển hạ tầng du lịch, nông nghiệp, đô thị để thu hút đầu tư…
Tỉnh Lai Châu cũng định hướng không gian phát triển và các trụ cột phát triển theo trọng tâm "một trục - hai vùng - ba trụ cột".
Cụ thể, một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo quốc lộ 32 - quốc lộ 4D - quốc lộ 12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua quốc lộ 279, kết nối các huyện, thành phố ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.
Hai vùng kinh tế của tỉnh gồm vùng kinh tế động lực (gồm các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ và TP Lai Châu) tập trung phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa cộng đồng. Sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến đất hiếm và phát triển đô thị, kinh tế biên mậu.
Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà (gồm các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè) tập trung bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc ca, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng (sâm Lai Châu), dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm cao su, quế, mắc ca, dược liệu và các sản phẩm đặc hữu.
Ba trụ cột phát triển kinh tế gồm: Dịch vụ, tập trung vào du lịch gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu; Công nghiệp, tập trung vào công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thủy sản; Nông nghiệp, tập trung vào phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị.
Phát triển 5 khu du lịch độc đáo, hấp dẫn
Lai Châu cũng định hướng phát triển du lịch trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh, phát triển mạnh du lịch treking leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Đồng thời ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí, vui chơi có thưởng,... Hình thành các khu/điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và cấp vùng.
Cụ thể, phát triển 5 khu du lịch có tính độc đáo, hấp dẫn, có tiềm năng thu hút khách đối với khu vực, cả nước và quốc tế và 27 khu du lịch có ý nghĩa địa phương nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng giá trị trải nghiệm của du khách.
Từng bước thu hút thị trường khách du lịch lớn chuyển dịch từ các thị trường du lịch lân cận sang Lai Châu như cao nguyên Sìn Hồ, khu đèo Hoàng Liên, thác Tác Tình, hang động Pu Sam Cáp và Tiên Sơn, quần thể Putaleng, khu Sin Suối Hồ, quần thể du lịch sinh thái sông Đà gắn với sâm Lai Châu...
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Lê Văn Lương (55 tuổi, quê Hà Nam) được bầu làm chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2021 - 2026.