Khi Masahiro Okafuji đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành Itochu Corp vào năm 2010, người đàn ông này đặt mục tiêu hàng đầu là cải thiện năng suất lao động để có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn mạnh ở Nhật Bản. Làm việc sau 8 giờ tối sẽ bị cấm hoàn toàn. Bản thân nhân viên cũng không được trả thêm lương nếu tăng ca và chắc chắn, họ sẽ bị bảo vệ tòa nhà yêu cầu về nhà ngay lập tức sau khi đồng hồ điểm chỉ. Nếu còn việc, nhân viên sẽ được gợi ý đến sớm vào ngày hôm sau để hoàn tất.
Một thập kỷ sau, Itochu Corp, với hoạt động kinh doanh trải dài từ chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart đến kim loại quý, báo cáo lợi nhuận trên mỗi nhân viên tăng hơn 5 lần. Bất ngờ hơn cả, là ngày càng có nhiều nhân viên nữ nghỉ thai sản, sinh con và tiếp tục quay trở lại làm việc.
“Chúng tôi chủ trương tăng năng suất nhưng không biết rằng nó sẽ có tác động đến tỷ lệ sinh”, Fumihiko Kobayashi, phó chủ tịch điều hành của Itochu cho biết.
Theo Bloomberg, Itochu chứng kiến tỷ lệ sinh nở của nhân viên toàn thời gian tăng gấp đôi kể từ khi Okafuji trở thành Giám đốc điều hành. Mỗi nhân viên nữ trung bình đẻ gần 2 con trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2022, tức cao hơn tỷ lệ hiện tại của Nhật Bản (1,3).
Kết quả này thu hút sự chú ý của các thành viên hội đồng quản trị Itochu, trong đó có Atsuko Muraki, người trước đây từng là giám đốc quản lý bộ phận bình đẳng và phúc lợi trẻ em tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Bà khuyến khích công ty công khai số liệu nội bộ nhằm gửi một thông điệp quan trọng rằng đối với phụ nữ, việc nuôi dạy con cái và phát triển sự nghiệp có thể thực hiện song song và không cần đánh đổi.
Nhật Bản từ lâu được biết đến với văn hóa làm việc quá mức và gần đây đang cố gắng loại bỏ. Việc các nhân viên tại Nhật Bản làm việc đến chết rất phổ biến, đến mức quốc gia này có một thuật ngữ dành riêng cho nó là karoshi, nghĩa là “cái chết do làm việc quá sức”.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, trong số hơn 8.900 công ty tăng ca nhiều từ tháng 4/2020 đến tháng 5/2021, có đến gần 3.000 công ty phá vỡ giới hạn làm thêm 80 giờ/tháng. Nhiều lao động là phụ nữ theo đó buộc phải lựa chọn từ bỏ sự nghiệp để dành thời gian chăm sóc con cái, gia đình.
Quy định cấm làm việc ban đêm của Itochu đã giảm bớt phần nào áp lực này. Sau đại dịch, toàn bộ nhân viên còn được phép làm việc tại nhà 2 ngày/tuần. Giờ làm việc chính cũng được cắt giảm từ 8 giờ xuống còn 6 giờ để mọi người có thể tan ca sớm nhất vào 3 giờ chiều.
Itochu mang lại bài học đặc biệt quan trọng cho Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Á trong cuộc chiến giảm tỷ lệ sinh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn tình trạng này, đồng thời gọi đây là “cuộc khủng hoảng quốc gia” vì có thể đe dọa lực lượng lao động trên cả nước vào năm 2040. Một số tổ chức đã được thành lập vào tháng 4 để giải quyết những thách thức này, trong khi vào tháng 6, Thủ tướng Nhật Bản cam kết chi 25 tỷ USD nhằm khuyến khích mọi người sinh thêm con.
Ngoài Nhật Bản, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022. Tỷ lệ phụ nữ từ 25 đến 39 tuổi chấp nhận nghỉ việc cao hơn hẳn các quốc gia phát triển. Căng thẳng tài chính cùng sự thiếu hụt của các chính sách nuôi con cũng khiến dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ.
Itochu là một trong những công ty đi tiên phong trong việc phá vỡ các rào cản định kiến. Nhân viên ai nấy đều vui mừng vì cảm nhận được sự tôn trọng, trong đó có chị Anna Furuya. Ngày trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản vào năm 2013, người phụ nữ này được về nhà sớm hơn hẳn đồng nghiệp.
“Tôi chỉ là một trong số ít nhân viên được hưởng lợi, vì vậy vẫn cảm thấy khá áy náy đấy”, Anna Furuya nói, đồng thời cho biết mình đang cảm thấy “vô cùng hạnh phúc” với cuộc sống của một người mẹ đi làm. Cô thường bắt đầu ngày mới vào khoảng 6:30 sáng, sau đó rời văn phòng vào lúc 4 giờ chiều và dành thời gian còn lại cho cậu con trai 9 tuổi.
“Đối với những người đang nuôi dạy con cái như tôi, đẩy công việc lên sáng sớm là điều thực sự cần thiết”, Anna Furuya nói.
Các doanh nghiệp Nhật Bản khác đang học tập Itochu. Trong đó, công ty bảo hiểm Mitsui Sumitomo cho biết từ đầu tháng này sẽ hỗ trợ tới 100.000 yên (700 USD) cho những nhân viên đảm nhận công việc giúp những đồng nghiệp nghỉ thai sản. Recruit Holding, một công ty chuyên về tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản, cũng cho phép nhân viên làm việc tại nhà và nghỉ thêm ngày vào dịp lễ.
Câu hỏi đặt ra là liệu thành công của Itochu có thể được nhân rộng. Nuôi con đòi hỏi cả tiền bạc và thời gian. Các công ty thương mại hiện đang trả lương cao nhất Nhật Bản. Thu nhập trung bình trong năm 2023 của một nhân viên làm việc tại Itochu là 17,3 triệu yên, gấp khoảng 4 lần mức trung bình quốc gia.
“Tỷ lệ sinh giảm vì điều kiện kinh tế không đủ để sinh con hoặc lập gia đình. Itochu đại diện cho những người giàu có ở Nhật Bản. Nhân viên và đối tác của họ rất có thể đều là những người có thu nhập cao”, Yasuko Hassall Kobayashi, phó giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Ritsumeikan, cho biết.
Nhờ chính sách ưu tiên các bà mẹ có con nhỏ, Itochu thu hút được một lượng lớn nhân viên nữ đến làm việc và đảm nhận các vị trí quan trọng.
“Tôi không còn cảm thấy tội lỗi khi về sớm nữa vì phúc lợi này dành cho tất cả mọi người”, Furuya, một bà mẹ đang làm việc tại Itochu, cho biết.
Theo: Bloomberg, Reuters