TP Hồ Chí Minh hiện có tới gần 10.000 chung cư tái định cư bỏ hoang. Còn Hà Nội có khoảng 4.000 căn. Đây là các con số cho thấy vấn đề quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư nhiều năm qua ở các thành phố lớn đang có nhiều bất cập, cũng như đang gây lãng phí tài nguyên đất đai và một nguồn ngân sách khổng lồ. Trong khi nhiều người dân không có nhà ở, việc để hoang hàng chục ngàn căn hộ, nền đất tái định cư là một điều hết sức vô lý.
Ghi nhận tại 1 trong 4 dự án chung cư tái định cư bị bỏ hoang trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, nhếch nhác với rác và nước thải, cây cỏ dại mọc cao quá đầu người. Chung cư tái định cư nằm trong ngõ 156 đường Tam Trinh, được đầu tư gần 300 tỷ đồng, nhưng 6 năm sau hoàn thiện vẫn chưa có người ở.
"7 - 8 năm nay cứ để như thế này thì không biết là để đến khi nào. Không biết bao giờ về để ở, không biết bao giờ chỗ này sạch sẽ, xung quanh khang trang", người dân Hà Nội chia sẻ.
Hà Nội có khoảng 4.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang.
Chỉ tính riêng 4 dự án chung cư tái định cư bị bỏ hoang ở quận Hoàng Mai, tổng số tiền ngân sách cho xây dựng đã gần 2.000 tỷ đồng, trong đó dự án được đầu tư nhiều nhất là gần 800 tỷ đồng. Hiện cả Hà Nội có tới 9 dự án với khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Những dự án tái định cư có người dân về ở, tổng diện tích tầng 1 của các dự án vào khoảng 33.000 m2 cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu khoa học, không tổ chức điều tra xã hội học về nhu cầu nơi ở mới của người dân trong diện giải tỏa về tái định cư. Thậm chí một nguyên nhân khác khiến nhà tái định cư bị bỏ hoang là do chúng được xây dựng quá sớm so với thời điểm người dân được chuyển tới.
Chất lượng kém, hạ tầng không đồng bộ và nhanh xuống cấp. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có tới trên 14.000 căn chung cư tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở. Cứ thế nhiều năm nay, hàng nghìn tỷ đồng ngân sách đầu tư cho các dự án tái định cư đã bị lãng phí, chưa tính đến việc mỗi năm phải chi nhiều tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng những căn hộ này.
Thất bại khi chuyển đổi hàng nghìn chung cư tái định cư
Năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã phải tìm nhiều giải pháp để "giải cứu" gần chục nghìn chung cư tái định cư bỏ hoang, trong đó hơn một nửa thuộc các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau nhiều lần tổ chức bán đấu giá thất bại, nhiều chuyên gia nhận định, thay vì để những căn hộ này xuống cấp, TP Hồ Chí Minh nên chia ra thành nhiều "gói" nhỏ, từ 5 - 10 căn hộ để bán cho các nhà đầu tư nhỏ, hoặc giao cho doanh nghiệp đầu mối đứng ra tổ chức bán từng căn cho những người có thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở thực sự.
Còn TP Hà Nội hiện cũng có tới cả chục dự án chung cư tái định cư được đầu tư bằng ngân sách nhà nước nhưng cũng bỏ hoang, xuống cấp nhiều năm. Mới đây, Sở Xây dựng cũng đã ban hành các kế hoạch quản lý diện tích tầng 1 ở các tòa tái định cư, chung cư thương mại phải bàn giao về cho thành phố, đồng thời sẽ phối hợp với Sở Tài chính để thực hiện bán đấu giá một số quỹ căn tái định cư này.
Cần tháo gỡ vướng mắc để chuyển đổi công năng nhà tái định cư
Theo các chuyên gia, việc tổ chức đấu giá là khó khả thi nếu cứ để các dự án này trong tình trạng chất lượng kém, xuống cấp, không đủ hạ tầng đáp ứng cho điện, đường, trường, trạm; thậm chí cũng cần tính tới việc nhiều dự án vị trí quy hoạch không đắc địa, xa trung tâm thành phố, nhiều dự án còn xây trên đất nền của các nghĩa trang sẽ phải tìm thêm giải pháp khác ngoài đấu giá. Chuyển đổi công năng của các dự án này cũng là một giải pháp, nhưng cũng cần tính đến quy hoạch hạ tầng cụ thể mới có thể "giải cứu" được các dự án khỏi cảnh bỏ hoang, lãng phí.
224 tỷ đồng là khoản tiền từ ngân sách sẽ được TP Hà Nội dùng để hoàn thành và điều chỉnh một số tòa nhà đang dang dở, bỏ hoang thuộc dự án ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp, để chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho thuê. Giải pháp được thành phố kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ được dự án nghìn tỷ bỏ hoang và sau khi bán, cho thuê sẽ thu lại được tiền về cho ngân sách.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, chỉ có thể chuyển đổi công năng thành công nếu xung quanh dự án có đầy đủ hạ tầng điện, đường, trường, trạm, ngược lại vẫn thiếu những yếu tố quan trọng này, nguồn ngân sách đổ thêm vào dự án sẽ một lần nữa bị lãng phí.
"Chúng ta đã đưa ra một nguyên tắc rất là nhân văn. Tái định cư là anh phải đến một nơi mới, là bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nhưng người ta đến đấy không bằng nơi ở cũ là. Quang trọng là chúng ta phải tính toán rằng đến nơi này người ta phải sinh hoạt như thế nào, sống bằng cái gì, mưu sinh của người ta như thế nào. Với quy mô ấy, chúng ta cần bao nhiêu nhà trẻ, có trường học không, có chợ không, các dịch vụ khác như thế nào, chúng ta phải có quy hoạch", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nhận định.
"Với việc tiếp cận những quỹ nhà hoang như vậy để chuyển đổi nó thành một loại hình sử dụng nhà ở khác, chúng ta cần phải tính đến cơ chế chính sách như thuế, giá cả cho đến hoán đổi nó, những mô hình quản trị nó và khai thác khác nhau thì việc hiện thực hóa mục tiêu cải thiện nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội mới đạt được những bước tiến", KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay.
Tuy nhiên về lâu dài, để không còn tồn tại những quỹ nhà tái định cư bỏ hoang, cần sớm thẩm định, hoàn thiện chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng, đặc biệt cần sự đồng thuận của người dân trong diện giải tỏa giải phóng mặt bằng.
"Việc chuẩn bị quỹ nhà phục vụ tái định cư cần phải nghiên cứu lại, có quy trình cụ thể. Thứ hai là đầu tư quỹ nhà tái định cư để làm sao cho linh hoạt hơn và có nhiều quỹ nhà phục vụ tái định cư, trên cơ sở đấy sẽ giải quyết được những vướng mắc hiện nay", ông Bùi Tiến Thành, Trưởng Phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, nêu quan điểm.
Ngoài việc siết chặt quản lý chất lượng xây dựng, có sự giám sát chéo giữa các ngành quản lý, công tác quy hoạch luôn phải đi trước một bước, bài bản và khoa học hơn dựa trên các yếu tố điều tra xã hội học về nhu cầu tái định cư của người dân, lúc đó mới có thể nói là xóa sổ được quỹ căn tái định cư bỏ hoang.
Ngoài công tác quy hoạch, các căn hộ được xây dựng phải gắn liền với chính sách an sinh xã hội như: đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau khi di dời. Các căn hộ tái định cư cần xây dựng sát với nhu cầu thực tế để tránh tình trạng dư thừa, bị bỏ hoang và lãng phí.
VTV.vn - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc đưa ra chính sách và mức giá đền bù tái định cư phục vụ xây dựng dự án đường Vành đai 4.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.62163158131703202-gnaoh-ob-ib-uc-hnid-iat-oh-nac-nihgn-cuhc-gnah-ihp-gnal/et-hnik/nv.vtv