"Tôi sẽ không từ bỏ", Hãng tin AFP dẫn lời ông Pita, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), nói sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Thái Lan chiều 13-7.
Sau nhiều giờ tranh luận, 705/749 nghị sĩ Quốc hội Thái Lan, gồm 500 thành viên Hạ viện và 249 thành viên Thượng viện (1 người vừa từ chức), bỏ phiếu bầu ra thủ tướng thứ 30. Ông Pita là ứng viên duy nhất trong vòng bỏ phiếu này.
Kết quả cho thấy chính khách 42 tuổi này chỉ nhận được 324 phiếu ủng hộ, còn thiếu 51 phiếu để đạt được số phiếu chiến thắng tối thiểu là 375. Trong đó, ông nhận được 311 phiếu ủng hộ từ Hạ viện và chỉ 13 phiếu từ Thượng viện.
Kế hoạch hành động của Đảng MFP là một nguyên nhân chính khiến ông không giành được sự ủng hộ. Trước giờ bỏ phiếu, cuộc tranh luận của Quốc hội về tư cách của ông Pita tập trung vào việc ông sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông trong thời gian tranh cử và kế hoạch của Đảng MFP nhằm sửa đổi điều luật chống khi quân, tức điều 112 trong Bộ luật Hình sự.
Ông Pita cho biết ông chấp nhận kết quả bỏ phiếu của Quốc hội và sẽ điều chỉnh lại chiến lược cho vòng bỏ phiếu tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 19 và 20-7. Chưa rõ ông có tiếp tục được đề cử cho các vòng bỏ phiếu này hay không.
Dù vậy, nhà lãnh đạo MFP khẳng định đảng của ông sẽ không thay đổi chính sách, bao gồm đề xuất thay đổi điều 112. "Chúng tôi phải giữ lời hứa với người dân", ông nói.
Sau khi dẫn đầu trong cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan vào tháng 5-2023, MFP đã lập liên minh 8 đảng, bao gồm Đảng Pheu Thai của gia tộc cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, nắm giữ đa số phiếu trong cơ quan này. Tuy nhiên, con đường đến ghế thủ tướng của ông Pita gặp khó khăn khi nhiều thành viên Thượng viện không ủng hộ chính trị gia này.
Trước đó, một ngày trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cũng quyết định yêu cầu Tòa án Hiến pháp nước này đình chỉ tư cách của ông Pita vì vi phạm quy định tranh cử.
Lãnh đạo Đảng Tiến bước, ông Pita Limjaroenrat, đã không nhận được đủ số phiếu của Quốc hội cho vị trí thủ tướng Thái Lan trong cuộc bỏ phiếu chiều 13-7.