Đó là thông tin nổi bật trong thông cáo báo chí sau Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 13-7.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng gần 4% so với cùng kỳ
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hết tháng 6-2023, cả nước có 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tương đương khoảng 37,5% lực lượng lao động. Con số này tăng 662.000 người (khoảng 3,9%) so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với đó, có 90,89 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 4,35 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, hơn 91,86% dân số đã có bảo hiểm y tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội giải quyết cho khoảng 37.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, và trên 665.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tức hơn 110.000 người/tháng.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. Đồng thời, phối hợp giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cụ thể, hết tháng 6-2023, cả nước có tới 82,98 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng tới 18,76 triệu lượt so với cùng kỳ năm 2022.
Công an vào cuộc xử lý trục lợi bảo hiểm xã hội
Ngoài ra, ngành bảo hiểm xã hội cũng thanh tra, kiểm tra tại hơn 9.000 đơn vị. Số đã buộc khắc phục, nộp tiền chậm đóng trực tiếp trên 425 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan này thông tin thêm vừa qua một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương đã rà soát vi phạm trong trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội. Thời gian tới, hai ngành công an và bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp trong xử lý, xét xử cũng như quy định chế tài mạnh để xử lý dứt điểm vấn đề trên.
Kết luận hội nghị, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị toàn ngành chủ động nắm thực tế để đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Phương châm là tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cơ quan bảo hiểm các tỉnh thành tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý các hành vi vi phạm như trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, nợ đóng bảo hiểm…
"Các đơn vị cần chủ động, tăng cường hơn nữa kỷ cương kỷ luật, phân công rõ người, rõ việc và gắn trách nhiệm người đứng đầu", ông Mạnh nêu rõ.
Từ việc một người ở TP.HCM nhận lương hưu 124 triệu đồng/tháng, nhiều người mong muốn đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn nhưng không được.