vĐồng tin tức tài chính 365

Rắc rối với hóa đơn mua hàng

2023-07-14 10:50

Cục Thuế TP HCM vừa cảnh báo Công ty TNHH Savings Marketplace trú đóng tại tầng 6 tòa nhà Mê Linh Point - số 2 Ngô Đức Kế, quận 1, TP HCM có dấu hiệu rủi ro về thuế, hóa đơn. Theo đó, doanh nghiệp (DN) này đã làm thủ tục giải thể, không còn hoạt động từ ngày 30-5 nhưng đang tồn 30 hóa đơn ký hiệu AA/18E chưa sử dụng, từ số 00269 đến số 00300, các hóa đơn này không còn giá trị sử dụng.

"Đánh bùn sang ao"

Trước đó, qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, Tổng cục Thuế đã phát hiện và công bố danh sách 524 DN bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống; yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát hóa đơn xuất bán ra từ các DN thuộc danh sách này. Trường hợp phát hiện DN đã sử dụng hóa đơn của 524 DN nói trên thì yêu cầu DN đó giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí tính thuế thu nhập DN, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu...

Rắc rối với hóa đơn mua hàng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đã phải giải trình với cơ quan thuế vì nhận hóa đơn của doanh nghiệp mất tích. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Tổng cục Thuế, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, thay vì tiến hành thanh tra, kiểm tra tại DN, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan thuế để thực hiện pháp luật về thuế. Vì thế, Tổng cục Thuế khuyến cáo các DN có hóa đơn đầu vào của 524 DN nói trên, chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN cho biết yêu cầu của cơ quan thuế rất vô lý, làm DN tiêu tốn rất nhiều công sức. Trong khi lẽ ra việc xác định DN bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống, cũng như kiểm soát việc xuất hóa đơn của các DN này là nhiệm vụ của cơ quan thuế.

Kế toán trưởng của một DN ở TP HCM cho hay cơ quan thuế đã gửi một loạt danh sách hóa đơn và yêu cầu công ty giải trình, chứng minh tính hợp pháp của các hóa đơn này. "Chúng tôi hết sức mệt mỏi khi phải chứng minh với cán bộ thuế bằng hợp đồng mua - bán, chứng từ giao nhận hàng (phiếu nhập kho, cước vận chuyển...), nguồn gốc hàng hóa... để được tính vào chi phí hoạt động khi tính thuế thu nhập DN" - đại diện một DN than thở.

Chị K.H, kế toán viên một đơn vị hành chính tự chủ tài chính ở TP HCM, cho biết tháng 4-2022, đơn vị của chị có thuê xe của Công ty Thương mại Dịch vụ Vận tải P.M (Công ty P.M) và tiếp nhận hóa đơn thanh toán của công ty này. Tại thời điểm đó, hệ thống tra cứu của cơ quan thuế thể hiện hóa đơn của Công ty P.M là hợp lệ. Thế nhưng đến nay, hệ thống tra cứu của cơ quan thuế thông báo công ty này không tồn tại. "Cơ quan thuế yêu cầu cơ quan tôi cử đại diện đến gặp trực tiếp để giải trình với cán bộ thuế về việc sử dụng hóa đơn của Công ty P.M" - chị K.H nói.

Có hiện tượng gian lận

Theo ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính, từ tháng 11-2021 đến nay, cơ quan thuế đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử và đã tiếp nhận, xử lý hơn 3,9 tỉ hóa đơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã phát hiện hiện tượng phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử trái pháp luật nhằm gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước.

Bà Hà Thái Hạnh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TP HCM, cho biết thời gian qua một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách đã thành lập DN nhằm mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp. "Thủ đoạn của những đối tượng này là sử dụng CCCD bị mất hoặc đánh cắp, thuê người không có hiểu biết làm đại diện pháp luật để thành lập DN hoặc chuỗi DN...

Những DN dạng này thường không có tài sản cố định, thuê một địa điểm làm văn phòng cho nhiều công ty, treo bảng hiệu nhưng không hoạt động, sử dụng giấy tờ, chữ ký giả để bán hóa đơn cho các đơn vị cần hợp thức hóa chi phí đầu vào đối với hàng hóa nhập lậu, trôi nổi hoặc hàng hóa cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất đá, cát sỏi, nông lâm, thủy hải sản, xăng dầu, thực phẩm… để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT" - bà Hạnh nói thêm.

Nhân viên kế toán của nhiều DN cũng thừa nhận thực tế trên thị trường có không ít cá nhân thành lập DN chỉ với mục đích bán hóa đơn, sau đó bỏ trốn. Đồng thời, nhiều DN từng sử dụng hóa đơn mua hàng hóa từ những DN bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập DN, nhằm giảm thiểu số tiền thuế phải nộp. Từ đó, cơ quan thuế buộc phải yêu cầu DN giải trình việc sử dụng hóa đơn của DN có rủi ro về thuế, hóa đơn hoặc đã bỏ trốn.

Dưới góc nhìn chuyên gia thuế, ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Kế toán thuế DVL, cho rằng việc các cá nhân thành lập DN để bán hóa đơn một phần phát xuất từ nhu cầu mua hóa đơn khống để gian lận thuế của một số DN khác. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm, dẫn đến thiếu bình đẳng nghĩa vụ thuế trong cộng đồng DN. Thế nên, cơ quan thuế cần phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện và xử lý mạnh tay đối với những DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

"Riêng với những DN bỏ trốn, cơ quan thuế cần nhanh chóng và thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, xác định DN nào đã bỏ địa chỉ kinh doanh, rồi thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cập nhật vào hệ thống quản lý hóa đơn điện tử của cơ quan thuế nhằm giúp người nộp thuế dễ dàng tra cứu; đồng thời hệ thống tự động chặn xuất hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh. Thay vì bắt người nộp thuế phải kiểm tra, giải trình tốn rất nhiều công sức" - ông Hồng đề xuất

Cách thức nhận biết

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, để nhận biết tình trạng hóa đơn của DN bán hàng, khi tiếp nhận hóa đơn DN mua hàng hóa cần kiểm tra bằng cách truy cập vào website: hoadondientu.gdt.gov.vn. Kiểm tra thông tin DN còn hoạt động hay không, người dân có thể truy cập vào website của Tổng cục Thuế (www.gdt.gov.vn) rồi chọn vào mục Tra cứu thông tin người nộp thuế.

Ngoài ra, DN nhận hóa đơn cần kiểm tra, xác minh về hàng hóa, bao gồm hợp đồng mua bán (nếu có); hình thức giao nhận, địa điểm giao nhận, phương tiện vận chuyển, chi phí vận chuyển, chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa). Kiểm tra xác minh về thanh toán gồm: giao dịch ngân hàng, đối tượng nộp tiền vào tài khoản, số lần thực hiện giao dịch, hình thức thanh toán, chứng từ thanh toán... Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa như: tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của cơ quan hải quan, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, vận đơn (nếu có).

Xem thêm: mth.49084011231703202-gnah-aum-nod-aoh-iov-ior-car/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Rắc rối với hóa đơn mua hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools