Ngày 11-7 vừa qua, ông T.V.L. (70 tuổi, quê Hải Dương) mới được mổ thay đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt trung ương (Hà Nội) sau nửa năm chờ đợi và nhiều lần gián đoạn.
Câu chuyện của ông L. cũng là điển hình cho tình trạng người bệnh đang gặp phải: mắt kém, có chỉ định mổ thay thủy tinh thể nhưng vẫn phải chờ...
8 tháng chờ mổ thay thủy tinh thể
Từ giữa tháng 12-2022, cả hai mắt của ông L. được Bệnh viện Mắt trung ương chẩn đoán đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già kèm theo chứng cận thị, mắt phải bị mộng thịt. Ông được chỉ định thay thủy tinh thể.
"Tuy gia đình rất mong muốn ông được thay sớm nhưng vẫn chưa có thủy tinh thể để thay, trong khi mắt ông ngày càng không nhìn rõ, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt" - con trai ông L. kể.
Đến ngày 7-7 (tức sau gần tám tháng có chỉ định), do không thể nhìn cha trong tình trạng mắt ngày càng mờ đi, con trai của ông quyết định mang tất cả giấy tờ lên tận Bệnh viện Mắt trung ương để hỏi. Lần này, anh thở phào thông báo tin vui: "Sáng 11-7, sau thời gian dài chờ đợi thủy tinh thể nhân tạo, bố tôi đã may mắn được mổ thay".
Tương tự, chị P.A. (quê Thái Nguyên) bảo đã hơn nửa năm dò hỏi khắp các bệnh viện để mổ thay thủy tinh thể cho con. Con chị mới chỉ 3 tuổi, được chẩn đoán đục thủy tinh thể từ đầu năm 2023.
"Bác sĩ khuyến cáo thay thủy tinh thể càng sớm càng tốt, từ đó đến nay tôi lo lắng hỏi rất nhiều nơi, thậm chí còn xác định mang con vào TP.HCM phẫu thuật" - chị A. nóng lòng.
Mới đây, chị được người quen giới thiệu đến một phòng khám tư ở Hà Nội, chỉ sau ít ngày con của chị được mổ thay thủy tinh thể với chi phí hơn 20 triệu đồng tại một bệnh viện tư. Trong khi theo thông tư 39/2018 Bộ Y tế, mức chi trả của bảo hiểm y tế với phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco (một mắt) chỉ từ 2.642.000 đồng, chưa bao gồm thủy tinh thể nhân tạo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua không chỉ Bệnh viện Mắt trung ương gần như "tạm ngưng" phẫu thuật này với lý do khó khăn trong đấu thầu thủy tinh thể nhân tạo, vật tư y tế. Gần đây, các ca mổ đã được thực hiện trở lại nhưng vẫn trong tình trạng "nhỏ giọt". Tình trạng này còn xảy ra ở bệnh viện công lập tại một số tỉnh thành.
Từ tháng 6-2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cũng thông báo không thể mổ thay thủy tinh thể vì thủy tinh thể, thiết bị y tế đã hết và đang chờ thầu. Nếu muốn mổ, người dân phải mua cườm, mổ dịch vụ, không được hưởng bảo hiểm y tế.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng đã ngừng mổ thay thủy tinh thể nhiều tháng nay. Theo bác sĩ bệnh viện này, thủy tinh thể nhân tạo đang gặp khó khăn trong đấu thầu.
"Hiện nay tại Việt Nam không có nhiều nhà thầu cung ứng thủy tinh thể nhân tạo. Bệnh nhân nếu muốn mổ phải ra ngoài mua vật tư, thủy tinh thể nhân tạo rồi vào viện mổ, không được hưởng theo bảo hiểm y tế", vị này cho hay.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, nhân viên y tế cũng thông báo vừa có một đợt thủy tinh thể về và đã dùng hết. "Giờ cứ xuống bệnh viện thăm khám, theo dõi tình trạng khi nào có "hàng" về thì sắp xếp lịch mổ" - nhân viên này thông tin.
Bệnh nhân mua thủy tinh thể bên ngoài vào bệnh viện thay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một bác sĩ từng là trưởng khoa mắt ở bệnh viện đa khoa hạng 1 tại TP.HCM (vừa xin nghỉ ra bệnh viện tư) cho biết việc phải chờ mổ thay thủy tinh thể trong vài tuần là chuyện bình thường. Vì phải chờ đợi nên nhiều bệnh nhân tìm đến các bệnh viện tư, chỉ có điều không được thanh toán bảo hiểm y tế.
"Việc này bác sĩ chỉ hướng dẫn và bệnh nhân tự thỏa thuận, nếu đủ điều kiện và không muốn chờ lâu có thể đăng ký thay ở bệnh viện tư, ở đó các vật tư này không bao giờ thiếu" - bác sĩ này nói.
Một bác sĩ trưởng khoa mắt khác cũng cho biết hiện lượng bệnh nhân được chỉ định thay thủy tinh thể khá nhiều. Dù chỉ là một chuyên khoa nhỏ trong bệnh viện đa khoa nhưng tình trạng thiếu thủy tinh thể vẫn xảy ra.
Bác sĩ này dẫn chứng bệnh viện hiện đang thiếu một số giải độ và đơn vị đang cố gắng "linh hoạt" bằng cách xin ý kiến của ban giám đốc cho phép để bệnh nhân chủ động mua vật tư ở nhà thuốc vào bệnh viện mổ thay.
"Chúng tôi giải thích rất rõ ràng cho người bệnh, một là chờ, còn nếu chờ không biết lúc nào mới có và quyết định cuối cùng tùy thuộc vào người bệnh. Nếu bệnh nhân đồng ý, đủ tài chính thì họ sẽ mua ở ngoài, dĩ nhiên chi phí này bảo hiểm y tế không thanh toán" - bác sĩ này nói.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết từng có thời gian bệnh viện thiếu hụt một số mặt hàng thủy tinh thể. Đó là thời điểm sau dịch khi bệnh nhân từ các tỉnh dồn về nhiều, trong khi các tỉnh đều thiếu hụt vật tư.
Thời điểm trước dịch bệnh viện mổ đục thủy tinh thể cho khoảng 250 ca/ngày, sau dịch số ca này dồn từ các tỉnh tăng dần, trong khi số lượng vật tư dự trù có hạn. Nhưng việc thiếu chỉ nằm ở một số mã, do đó một số bệnh nhân mã này bắt buộc phải chờ đợi lâu.
Đơn vị có văn bản xin phép Sở Y tế TP.HCM về việc triển khai đấu thầu sớm và việc người bệnh phải chờ đợi đến thời điểm này cơ bản đã được giải quyết.
"Chúng tôi vừa phải giải quyết bệnh nhân chờ, vừa phải mổ cho bệnh nhân hẹn mới, đến 10-7 mới giải quyết dứt điểm tình trạng này" - ông Tuấn khẳng định.
Đục thủy tinh thể là tình trạng thể thủy tinh - ống kính trong suốt của mắt bị mờ, giống như một tấm kính bám đầy bụi hoặc phủ sương mù. Bệnh đục thủy tinh thể nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dễ dẫn đến mù lòa.