Được phê duyệt vào tháng 5 vừa qua, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được đánh giá là khung pháp lý quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo ước tính từ nay đến năm 2050, việc thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ cần trên 500 tỷ USD để đầu tư phát triển cho cả nguồn và lưới điện. Theo các chuyên gia, phần lớn trong số này sẽ cần được huy động từ khu vực tư nhân, trong đó có các nguồn tài chính quốc tế.
Dù mới có mặt ở Việt Nam hơn 3 năm, nhưng doanh nghiệp điện mặt trời của Pháp đang vận hành khoảng 100 dự án, với công suất gần 200 MW. Theo doanh nghiệp, nhu cầu tiêu thụ điện đứng thứ 2 Đông Nam Á, cùng các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ chính là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của thị trường năng lượng tại Việt Nam.
"Chính phủ có cơ chế cụ thể để khuyến khích hệ thống điện năng lượng tái tạo và cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia vào đầu tư các dự án điện. Đây là điểm cộng để thu hút các doanh nghiệp như chúng tôi đầu tư thêm vào Việt Nam", bà Vũ Kim Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh khu vực miền Bắc, GreenYellow Việt Nam, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Việt Nam còn là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió tốt nhất ở châu Á. Doanh nghiệp Na Uy chính là một trong số các Việt Nam nước ngoài đang tích cực tìm kiếm các cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam có vị trí rất thuận lợi cho năng lượng gió và chúng tôi muốn bắt đầu bằng việc khảo sát và phát triển các trang trại điện gió cùng với đối tác của mình tại Việt Nam", bà Anita Holgersen, Giám đốc Equinor tại Việt Nam, nhận định.
Bên cạnh nguồn vốn tư nhân, Việt Nam còn là một trong số ít các quốc gia được hưởng lợi từ các quỹ khí hậu toàn cầu và cơ chế tài chính sẵn có. Đến nay, Việt Nam là nước thứ 3 sau Nam Phi và Indonesia đạt được thỏa thuận thành lập Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng, trong đó nhóm đối tác cam kết huy động 15,5 tỷ USD trong 3 - 5 năm cho quá trình chuyển đổi xanh và hạ tầng xanh của Việt Nam.
"Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng, mà Pháp thông qua AFD, cam kết đầu tư 500 triệu Euro trong giai đoạn đầu để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu của mình", ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), cho hay.
"HSBC là một trong 11 tổ chức tài chính cam kết hỗ trợ khoản đầu tư tư nhân trị giá 7,5 tỷ USD trong số 15,5 tỷ USD mà JETP huy động cho Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero", bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Khu vực Nam và Đông Nam Á, Ngân hàng HSBC, thông tin.
Theo Quy hoạch Điện VIII, trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam cần đầu tư vào ngành điện trung bình khoảng 13,5 tỷ USD/năm.
"Cần xây dựng các quy định pháp luật để tiến tới các cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế mua bán điện trực tiếp. Đặc biệt, ngoài các tổ chức tài chính trong nước, chúng ta cũng tận dụng các nguồn hỗ trợ của các cơ chế tài chính toàn cầu và các quỹ khí hậu", ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, nói.
Theo các chuyên gia, huy động nguồn lực quốc tế không chỉ giúp Việt Nam có thêm nguồn tài chính, mà còn được hưởng lợi từ chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ, từ đó đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa các cam kết khí hậu mạnh mẽ của Việt Nam.
VTV.vn - Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ năng lượng - môi trường Hà Nội 2023 (ENTECH HANOI 2023) đã chính thức khai mạc sáng 28/6 tại Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.563742141703202-hnax-gnoul-gnan-neirt-tahp-et-couq-cul-nougn-gnod-yuh/et-hnik/nv.vtv