Vụ kiện bất đắc dĩ
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.Thủ Đức, Công ty xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Gas) là công ty liên doanh giữa AIR WATER INC - Nhật Bản nắm 51% cổ phần và ông Nguyễn Thanh Tùng nắm 48,9%. Ngày 23/02/021, ông Nguyễn Thanh Tùng bất ngờ bị HĐQT Pacific Gas ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Bức xúc với cách hành xử trên, ông Tùng làm đơn khởi kiện Công ty Pacific Gas ra TAND TP.Thủ Đức với nội dung "tranh chấp hợp đồng lao động". Công ty Pacific Gas đã ủy quyền cho bà Đỗ Thị Bích Phương làm đại diện hợp pháp của công ty.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, tại cuộc họp HĐQT ngày 23/02/2021, ông Masataka Murakami (thành viên HĐQT) đã ban hành QĐ số 063, qua đó chấm dứt HĐLĐ với ông. Sau đó, vị này đã cùng nhiều người dùng áp lực và ép buộc ông Tùng giao con dấu, giấy chứng nhận kinh doanh và bàn giao lại hồ sơ, các phòng ban của công ty. Không những thế, ông Masataka Murakami còn không cho ông Tùng vào làm việc. Cùng ngày trên, phía Công ty Pacific Gas cũng ban hành quyết định về việc bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tùng.
Phía Pacific Gas cho rằng, công ty phát hiện ông Tùng với cương vị Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cho Pacific Gas mắc nhiều sai phạm, gây thiệt hại nặng nề tài chính cho Công ty bao gồm: Chiếm dụng tiền của công ty theo hình thức tạm ứng nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân; Vi phạm nghĩa vụ của Tổng giám đốc của công ty, không trung thành với lợi ích của công ty khi dàn xếp các giao dịch với các Công ty con của cá nhân ông Tùng và không yêu cầu các Công ty này hoàn trả công nợ, gây thiệt hại lên đến gần 100 tỷ đồng; Chiếm đoạt tiền của Công ty, chỉ đạo kế toán Công ty chi lương, chi thưởng cho ông Tùng vượt mức thỏa thuận tại HĐLĐ và cùng nhiều hành vi vi phạm khác.
Trước các sai phạm nói trên, việc nhận ông Tùng trở lại làm việc theo yêu cầu khởi kiện của ông Tùng sẽ gây ra thiệt hại tài chính không thể khắc phục cho công ty và không phù hợp với các quyết định của HĐQT của Công ty. Hơn nữa, vị trí Tổng Giám đốc của Công ty hiện nay đã không còn, do đó Công ty không đồng ý nhận ông Tùng trở lại làm việc. Công ty Pacific Gas cho rằng việc chấm dứt HĐLĐ với ông Tùng là đúng pháp luật nên không đồng ý bồi thường.
Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
Tại phiên tòa, đại diện Pacific Gas cho rằng giữa ông Tùng và Công ty có thỏa thuận với nhau về việc chấm dứt HĐLĐ. Tài liệu chứng minh là 1 file ghi âm. Tuy nhiên, điều này đã bị phía ông Tùng bác bỏ vì cho rằng đây là các file cắt ghép, không phải file gốc. Tại buổi làm việc với HĐXX ngày 28/6/2022, để xác định nội dung file ghi âm, ghi hình lập ngày 23/02/2021, ông Murakami Masataka trình bày: Phiên họp ngày 23/02/2021 bàn bạc về nhiều vấn đề, trong đó có đề xuất, trao đổi việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc Công ty XNK dầu khí Thái Bình Dương đối với ông Nguyễn Thanh Tùng. Tuy nhiên, ông Murakami Masataka thừa nhận trong clip không có từ ngữ chính xác nào thể hiện việc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, nhưng việc bàn bạc, bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Tùng là được hiểu chấm dứt HĐLĐ với ông Tùng.
Từ các cơ sở trên, HĐXX cho rằng biên bản cuộc họp HĐQT ngày 23/02 không thể hiện việc Công ty và ông Tùng đồng ý chấm dứt HĐLĐ với nhau. Do đó, quyết định chấm dứt HĐLĐ của công ty với ông Tùng căn cứ vào kết quả cuộc họp này là không có căn cứ. "Hợp đồng lao động giữa ông Nguyễn Thanh Tùng và Công ty Pacific Gas là một hợp đồng vừa phải tuân thủ các quy định của điều lệ công ty, luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động" - HĐXX nhận định.
Từ đó, HĐXX xác định việc Pacific Gas ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng đối với ông Nguyễn Thanh Tùng đã vi phạm điều 34, 36 Bộ luật Lao động 2019, thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Liên quan đến vấn đề bị tố cáo "chiếm đoạt tài sản công ty", ông Tùng trình bày đối với số tiền tạm ứng 60.083.582.595 VNĐ (ông có đầy đủ chứng từ kế toán xác nhận tạm ứng kèm theo), ông thực hiện để thanh toán các hạng mục xây dựng hoàn thiện cảng Vina Benny, đầu tư trang thiết bị trước cho Công ty Pacific Gas vào việc tiếp quản và vận hành sau khi bàn giao và mở rộng mạng lưới kinh doanh cho gas bình, gas công nghiệp, gas bồn của công ty (theo Thỏa thuận cổ đông và Hợp đồng mua bán cổ phần). Thời điểm này, do đại dịch Covid-19 đang xảy ra nên việc NH Nam Á chậm trễ hoàn thiện hồ sơ để giải ngân vốn vay cho Công Ty Vina Benny.
Ngày 23/3/2021 (sau ngày bị chiếm đoạt con dấu, pháp lý và quyền TGĐ), giữa 2 bên đã lập 1 thỏa thuận thanh toán xác nhận đây là số tiền tạm ứng và ghi nhận tại ngày 04/3/2021, ông Tùng đã hoàn ứng trước 10 tỷ đồng, số tiền còn lại hơn 50 tỷ đồng, đề nghị ông Tùng hoàn ứng trước ngày 15/4/2021, nếu qua ngày này chưa xong thì phải chịu thanh toán tiền lãi vay với lãi xuất là 20% /năm, và nếu 2 bên không thỏa thuận được thì chuyển sang Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) phán xét.
Như vậy, ông Tùng cho rằng đây rõ ràng là những thỏa thuận dân sự, thế nhưng phía công ty lại làm đơn tố cáo ông đến cơ quan CSĐT với cáo buộc "ông chiếm đoạt tài sản công ty".
Về vấn đề này, hiện Cơ quan CSĐT đang tiếp nhận và xử lý đơn của ông Tùng tố cáo ông Murakami về hành vi "vu khống và chiếm đoạt tài sản".
Xem thêm: lmth.437941_sag-cificap-yt-gnoc-o-magn-gnos/cod-nab-nit-gnoht/nv.moc.nagnoc