"Nâng bước em đến trường" bằng... lương bộ đội
Hơn 30 năm viết văn, làm báo, chúng tôi may mắn được đến với rất nhiều đơn vị biên phòng từ Bắc đến Nam, từ núi cao rừng sâu đến hải đảo xa xôi giữa mênh mông biển cả. Ở đâu tình quân dân cũng là nét đẹp nổi lên giữa nhiệm vụ khó khăn, vất vả của người lính.
"Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt"... Đây là câu tâm niệm của từng người lính, từng đơn vị, từng thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Biên phòng và cũng chính là động lực phấn đấu, gắn bó công tác biên phòng với những hoạt động chăm lo đời sống cho nhân dân nơi đóng quân.
Khu vực biên giới (KVBG) nước ta gồm 1.084 xã, phường, thị trấn của 233 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc 44 tỉnh, thành phố với dân số khoảng 2,4 triệu nhân khẩu, 51 dân tộc, trong thành phần đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,6% đến 19,67% (1). Biên giới, hải đảo là những phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng; chăm lo cuộc sống cho dân.
Nhưng do những điều kiện tự nhiên, đặc thù về tập quán, văn hóa nên các cộng đồng cư dân ở đây còn chịu nhiều khó khăn, hạn chế hơn những vùng miền khác. Tỉ lệ hộ nghèo cao (có nơi như xã Ia Rvê - Đắk Lắk, tỉ lệ hộ nghèo đến 62,85%. Còn tỉ lệ này bình quân ở các xã biên giới khu vực Tây Nguyên là 55,7%), trẻ em thiếu điều kiện học tập, học sinh bỏ học và tỉ lệ mù chữ, tái mù chữ cao... là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến đời sống cư dân hiện tại và số lượng, chất lượng của nguồn cán bộ địa phương cho tương lai.
Từ năm 2016, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) phát động chương trình "Nâng bước em đến trường" (NBEĐT), nhằm giúp đỡ các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số... Đây là chương trình rất nhân văn với... hơn 13.000 lượt học sinh được giúp đỡ (500 ngàn đồng/em/tháng) do CBCS Biên phòng đóng góp, với tổng số tiền khoảng 95 tỷ đồng, trong đó có gần 1.000 trẻ mồ côi và 399 học sinh người Lào, 495 cháu người Campuchia (2) ở KVBG.
Từ thành công này, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh BĐBP phát động tiếp mô hình "Con nuôi đồn biên phòng" (CNĐBP) để giúp đỡ các cháu mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt cần giúp đỡ. "Đến nay các đồn biên phòng đang nhận nuôi 356 học sinh, trong đó có 41 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, 180 cháu mồ côi cha, hoặc mẹ; 5 cháu là con liệt sĩ, 3 cháu tật nguyền. Trong đó có 271 cháu sinh hoạt, học tập tại các đơn vị và 85 cháu vẫn ở cùng người thân... Mỗi cháu được cấp thêm 200 nghìn đồng/tháng, quần áo, sách vở..." (3)
Trong đợt thực tế sáng tác ở các đồn biên phòng thuộc các tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên... Đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đã chứng kiến rất nhiều chuyện cảm động, như hầu hết các "con nuôi" đều được CBCS các đồn biên phòng chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ bằng cả tình thương yêu. Ở đội công tác xã Ia Mơ (Đồn biên phòng Ia Mơ - Gia Lai) nuôi 2 cháu mồ côi. Các cháu đi học xa trên dưới 10 cây số, nhưng hàng ngày vẫn được các chú bộ đội thay nhau đưa đón bằng xe máy như bố đưa đón các con vậy!
Sau đại dịch Covid-19, Hội phụ nữ BĐBP tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Đồn biên phòng Sê-Rê-Pốk chăm lo cho nhiều cháu mồ côi. Năm 2022, BĐBP tỉnh Đắk Lắk còn vận động 214 triệu đồng và 165 xe đạp để tiếp sức cho hàng trăm học sinh nghèo vùng biên. CBCS Đồn biên phòng Ia Púch - Gia Lai trong năm 2022 đã trích lương đóng góp được gần 52 triệu đồng. Đồn Ia Lốp - Gia Lai đến tháng 5/2023 ủng hộ 106,5 triệu đồng từ trích lương CBCS để "NBEĐT"... Đồn biên phòng Ia Lốp - Gia Lai có nuôi hỗ trợ 5 em học sinh (2 em người Kinh và 3 em là dân tộc thiểu số) thì hầu hết đều chăm, ngoan. Có 2 em đạt học lực tiên tiến, xuất sắc.
Đồn biên phòng An Hải - tỉnh Phú Yên đỡ đầu 7 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì năm 2022 đã có 2 cháu đậu các trường đại học ở TPHCM. Còn trong 45 học sinh được BĐBP tỉnh Đắk Lắk đỡ đầu thì có 4 xuất sắc, 12 giỏi và 12 tiên tiến... Xin nói thêm là mô hình "NBEĐT" của BĐBP hiện đã được rất nhiều cơ quan, đoàn thể ở các tỉnh, thành phố học tập, triển khai. Như ở tỉnh Bình Phước, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Đồng Phú đã phối hợp cùng Hội chữ thập đỏ tỉnh, UBND xã Tân Lợi đã ra mắt mô hình này vào ngày 17/5/2023 để giúp học sinh nghèo trường THCS Tân Lợi...
Lo "cái ăn", "cái chữ" cho dân
Ở khu vực các đồn biên phòng đóng quân, cuộc sống của đa số dân cư vùng biên giới của bên bạn lẫn bên ta còn rất nhiều khó khăn, BĐBP cùng cấp ủy, chính quyền các xã biên giới chung tay lo cho dân thoát nghèo... (đôi khi giúp dân mình thì giúp luôn dân bạn trên tinh thần hữu nghị). Rất nhiều sĩ quan biên phòng đã được tăng cường cho công tác củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa bàn biên giới, tham gia vào cấp ủy ở xã, huyện.
Như Bộ chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã cử 51 sĩ quan - đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời tại 38 chi bộ thôn, buôn của 4 xã biên giới; 71 sĩ quan - đảng viên biên phòng về phụ trách 320 hộ dân khó khăn vùng biên giới. BĐBP Phú Yên đã giới thiệu 16 sĩ quan - đảng viên ở các tổ, đội công tác phụ trách 80 hộ gia đình cần giúp đỡ trên địa bàn. Đồng thời giới thiệu 14 sĩ quan - đảng viên khác tham gia sinh hoạt tại 14 thôn thuộc các xã ven biển... "Bộ đội Cụ Hồ" khi tham gia cơ cấu lãnh đạo tại thôn, buôn, bon thì công tác dân vận luôn đạt kết quả tốt!
Các đơn vị biên phòng còn phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể; các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, báo chí để hỗ trợ dân nghèo biên giới, hải đảo. Như Báo Công an TPHCM chúng tôi suốt mấy chục năm qua luôn kết hợp với các đơn vị Công an, Biên phòng, chính quyền các xã vùng biên giới... để thực hiện rất nhiều chương trình từ thiện - xã hội, như: "Mùa xuân biên giới"; "Vì học sinh Tây Nguyên" (phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng), "Mỗ mắt cho đồng bào nghèo", "100 xe máy cho cô đỡ thôn, bản"... Kết hợp với BĐBP tỉnh Điện Biên xây trạm xá Quân - Dân y và trường mẫu giáo khu vực vùng biên; tặng hơn 300 con bò cho các hộ dân nghèo vùng biên giới Tây Bắc...
Trong chuyến công tác đầu tháng 6/2023 vừa qua, khi đến buôn ĐRang Phốk thuộc xã biên giới Krông Na - huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk, chúng tôi xúc động vui mừng khi nhìn thấy nhà mẫu giáo của buôn do Báo Công an TPHCM vận động tài trợ 500 triệu đồng xây dựng từ 15 năm trước vẫn còn rất tốt, đẹp. Già làng Y Mok, 66 tuổi, cho biết: "Nhà mẫu giáo do Báo Công an TPHCM xây tặng khi vùng này chưa có đường xá, trường trạm như bây giờ. Buôn làng quý cái trường đó lắm!...".
Trở lại với sự hỗ trợ của BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho dân nghèo, chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã có rất nhiều chương trình cho bà con vùng biên Tây Nguyên. Như các đồn biên phòng Ea Hleo, Đắk Ruê, Sê-Rê-Pốk... giúp các hộ nghèo bò giống sinh sản nuôi luân phiên (khi nào đẻ được con thì chuyển bò mẹ cho hộ khác). Đồn biên phòng Ia Rvê... hỗ trợ dân trong mô hình nuôi gà; Đồn Yok MBre hỗ trợ hộ nghèo nuôi cá thác lác; Đồn Sê-Rê-Pốk tặng con giống heo rừng lai cho dân... BĐBP Đắk Lắk còn giúp dân làm thủy lợi; sửa chữa, làm mới hơn 50km đường liên thôn, buôn; xây dựng 19 giếng khoan, 3 phòng học, 3 phòng khám quân dân y... BĐBP tỉnh Đắk Nông xây dựng 154 căn nhà và 87 bò giống cấp cho các hộ nghèo ở biên giới...
BĐBP tỉnh Gia Lai cũng có chương trình giúp dân, như Đồn Ia Lốp tặng 5 nhà tình thương, xây 23 nhà vệ sinh, tặng 3 bò giống cho các hộ nghèo. Đồn Ia Púch cử CBCS giúp dân thu hoạch hoa màu, sửa nhà, làm thông thoáng đường ngõ, tặng 2 nhà "mái ấm biên cương"... BĐBP Đồn Bu Prăng - tỉnh Đắk Nông phối hợp Quỹ tấm lòng Việt - Đài truyền hình Việt Nam trong chương trình "Bò giống cho người nghèo". Đồn biên phòng Tuy Hòa - Phú Yên tặng 20 suất quà Tết cho các gia đình ngư dân có chồng, cha trên các phương tiện đánh bắt xa bờ chưa về kịp. Hỗ trợ cho các gia đình ngư dân gặp nạn trên biển...
Bất ngờ khi chúng tôi đến thăm Đồn Ia Lốp - Gia Lai, được nghe kể về lớp học xóa mù chữ cho người dân cụm dân cư Suối Khôn - xã Ia Mơ - huyện Chư Prông.
Các lớp xóa mù chữ tương tự cũng được triển khai ở rất nhiều đồn biên phòng dọc biên giới Tây Nguyên suốt nhiều năm nay...
Các hoạt động vì dân của các đồn biên phòng vừa giúp bà con nghèo vùng biên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, dân trí; vừa hỗ trợ, tạo cơ hội cho hàng nghìn học sinh nghèo học tập, vươn lên. Qua đó góp phần đào tạo nguồn cán bộ cho các xã vùng biên, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng "thế trận lòng dân". Điều đó tô đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" đi dân nhớ, ở dân thương; củng cố đại đoàn kết dân tộc nơi vùng biên có đồng bào của nhiều dân tộc, tín đồ của nhiều tôn giáo cùng chung sống và cùng chung tay bảo vệ biên cương Tổ quốc...
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.697941_nad-nauq-hnit-3-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc