Chiều 14-7, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 3 đến 9-7-2023 (tuần 27), số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng đang tăng nhanh tại TP.HCM.
Từ đầu năm đến tuần 27, TP.HCM ghi nhận các quận huyện có số mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 6, quận 8.
Riêng trong tuần gần nhất, tuần 27, cả thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước là 716 ca.
Không chỉ bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh, hiện các bệnh viện nhi đồng cũng cho biết số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng.
Theo HCDC, số liệu từ đầu năm đến tuần 27, TP.HCM ghi nhận các quận huyện có số mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân cao bao gồm: quận 1, huyện Bình Chánh, quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân.
Riêng trong tuần 27 cả thành phố ghi nhận 237 ca, tăng 32% so với trung bình 4 tuần trước là 180 ca.
Trước thực tế nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng nhập viện trong thời gian này, HCDC lưu ý thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5 của bệnh. Dấu hiệu chính là trẻ là bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với.
Nếu nhẹ, khi thiu thiu ngủ, trẻ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường. Độ nặng hơn một chút là trẻ vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với. Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với.
Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, miệng thì loét hay không, vài ngày trước trẻ có than đau miệng, chảy nước bọt hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh.
Vi rút gây bệnh có nhiều trong nước bọt, vét loét, dịch bóng nước. Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật ở xung quanh trẻ bệnh.
Bàn tay trẻ hoặc bàn tay của người chăm sóc khi đụng chạm những đồ vật nhiễm vi rút sẽ mang vi rút trên bàn tay. Nếu đưa bàn tay lên mắt, mũi, miệng thì sẽ đưa vi rút vào trong cơ thể.
Do đó phòng bệnh quan trọng nhất là rửa sạch bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh khử khuẩn các bề mặt đồ vật mà bàn tay hay sờ chạm tới.
Những người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang vi rút lây bệnh cho trẻ.
Số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM đều tăng. Theo bác sĩ điều trị, nếu trẻ mắc hai bệnh này tiếp tục tăng, có thể làm quá tải hệ thống y tế.