Chiều 14-7, trên mạng xã hội lan truyền bản chụp trang cuối báo cáo có đóng dấu của phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Nội dung đáng chú ý nhất là phần đề xuất: "Với thực tế hiện nay, nhóm nhà đầu tư mới không còn nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ tái cơ cấu Bamboo Airways. Vì vậy hãng đang dự kiến thực hiện việc nộp hồ sơ xin phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bamboo Airways xin trân trọng cảm ơn và kính mong nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Hình ảnh trên lập tức gây bão trên mạng xã hội và được chia sẻ khắp các group chứng khoán.
Các nhà đầu tư càng quan tâm khi chỉ mới hai ngày trước, phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa tiết lộ thông tin "gần đây một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản", khiến tin đồn Bamboo Airways nộp hồ sơ xin phá sản lan rộng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều cùng ngày, ông Phan Đình Tuệ khẳng định Bamboo Airways không có chủ trương phá sản.
Tuy nhiên ông thừa nhận phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật trước đây của Bamboo Airways có ký một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo thực trạng khó khăn của Bamboo Airways và đề xuất Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ.
"Trên thực tế không chỉ Bamboo Airways mà thời gian qua những doanh nghiệp lớn gặp khó khăn cũng có những văn bản báo cáo xin Chính phủ xem xét, hỗ trợ.
Văn bản này do cá nhân phó chủ tịch thời điểm đó mong muốn báo cáo (khó khăn), chứ không phải nghị quyết của hội đồng quản trị. Hiện vị này cũng đã thôi làm phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Bamboo Airways.
Mục đích của văn bản chỉ báo cáo Thủ tướng để xin giải pháp, nhưng cách diễn đạt đã gây hiểu lầm. Cộng với thông tin úp mở về việc một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản gần đây khiến tin đồn lan rộng", ông Tuệ nói thêm.
Cũng theo ông Tuệ, đúng là Bamboo Airways có khó khăn thật nhưng công ty vẫn đang cố gắng tái cấu trúc, làm việc với đối tác để kêu gọi nhà đầu tư. Bamboo Airways cũng đang đàm phán với các chủ tàu xin gia hạn các khoản thanh toán đến hạn và họ cũng đồng ý do công ty hiện đang hoạt động tốt.
Tin đồn Bamboo Airways xin phá sản cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), vì kèm với bản chụp báo cáo là thông tin "Sacombank cho vay nhiều nhất".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tuệ (trước khi sang làm phó chủ tịch hội đồng quản trị Bamboo Airways có nhiều năm là phó tổng giám đốc Sacombank) cho biết Sacombank cho Bamboo Airways vay hơn 2.000 tỉ đồng.
Đây là hạn mức đã được Sacombank cấp cho Bamboo Airways nhiều năm nay. Hiện doanh thu mỗi tháng của Bamboo Airways từ 1.500 - 2.000 tỉ đồng và dòng tiền về Bamboo Airways đều thanh toán đầy đủ cho ngân hàng các khoản đến hạn.
Trong dịch COVID-19, Sacombank cũng đồng hành với Bamboo Airways theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp hàng không, du lịch, tàu xe…
Chiều nay sau khi thông tin này lan truyền, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) có thời điểm rớt sàn về mức 27.900 đồng/cổ phiếu, nhưng đến cuối phiên đã hồi phục về mức 29.000 đồng/cổ phiếu.
203 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn điều lệ của Bamboo Airways mà Ngân hàng TMCP Quốc Dân muốn chuyển nhượng là một phần tài sản thế chấp cho các khoản vay của Bamboo Airways và nhóm FLC.