Chiều 14-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến thăm, làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác y tế trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, GS.TS Phạm Như Hiệp - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết trong 6 tháng đầu năm bệnh viện đón hơn 400.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú. Trong số đó tỉ lệ hài lòng đạt 98%.
Từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiến hành hơn 23.000 ca phẫu thuật, trong đó có 1 ca ghép tim xuyên Việt, 102 ca ghép thận và 5 ca ghép giác mạc.
Về công tác mua sắm thiết bị, ông Hiệp cho biết bệnh viện đã hoàn thành đấu giá xong một máy chụp cắt lớp CT512 hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến trong tháng 8 này sẽ được đưa về Huế để phục vụ bệnh nhân.
Ngoài ra trong cuối năm nay bệnh viện sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu mua thêm một máy xạ trị để phục vụ quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư.
"Về thuốc men thì cơ bản Bệnh viện Trung ương Huế đã đạt được mục tiêu cung ứng thuốc phục vụ khám chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư đáng báo động như nhiều nơi. Tuy nhiên để cung ứng thuốc một cách đầy đủ và thường xuyên thì bệnh viện cũng còn gặp nhiều khó khăn", ông Hiệp nói.
Nói về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đây là tình trạng diễn ra trên cả nước và đang rất "nóng".
Bà Lan lý giải rằng việc thiếu thuốc và vật tư y tế sau dịch COVID-19 diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới, khi vùng dược liệu thuốc ở Trung Quốc, Ấn Độ buộc phải đóng cửa do dịch.
Rồi cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine khiến con đường vận chuyển thuốc men từ các nước châu Âu về Việt Nam gặp nhiều vấn đề phát sinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Trước báo cáo của Bệnh viện Trung ương Huế, bà Lan nói rằng rất ấn tượng khi lãnh đạo bệnh viện đã "dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, quyết tâm" trong việc cố gắng đảm bảo nguồn cung ứng thuốc men, vật tư phục vụ khám chữa bệnh.
"Có những đơn vị, bệnh viện của chúng ta cơ chế chả thiếu cái gì, chỉ thiếu mỗi sự đoàn kết thôi. Ông này làm thì bị ông kia soi. Không đoàn kết nên không mua được thuốc", bà Lan nói.
Số ca tay chân miệng nặng từ các tỉnh chuyển lên các bệnh viện TP.HCM vẫn tiếp tục tăng. Hiện nhiều tỉnh, thành đã hết thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng.