Bộ Giao thông vận tải cho biết đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng giao bộ này làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng 2 đoạn qua tỉnh Ninh Bình và thành phố Hải Phòng thuộc đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.
Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng dài 109km, quy mô 4 làn xe, kết nối từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại Ninh Bình với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Khi triển khai chuẩn bị dự án, tỉnh Ninh Bình kiến nghị điều chỉnh vị trí đầu tuyến để phù hợp với quy hoạch địa phương nên chiều dài toàn tuyến khoảng 117km (tăng khoảng 8km). Trong đó:
Đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng dài 29km đang được thành phố Hải Phòng đầu tư khoảng 22km theo hợp đồng BOT. Với 7km còn lại, UBND thành phố Hải Phòng đã báo cáo Thủ tướng giao Hải Phòng là cơ quan chủ quản và đầu tư bằng ngân sách của thành phố.
Đoạn qua tỉnh Thái Bình và Nam Định dài 62km, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đoạn còn lại qua địa phận tỉnh Ninh Bình dài 26km, HĐND tỉnh Ninh Bình đã có nghị quyết thống nhất chủ trương sử dụng 2.000 tỉ đồng vốn ngân sách tỉnh và kiến nghị trung ương hỗ trợ khoảng 4.865 tỉ đồng để thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc giao bộ này thực hiện chức năng cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng 2 đoạn cao tốc qua tỉnh Ninh Bình và thành phố Hải Phòng thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng theo ý kiến Phó thủ tướng Trần Hồng Hà là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện do:
Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình và thành phố Hải Phòng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải. Nếu giao bộ này làm cơ quan chủ quản cần phải báo cáo Quốc hội để bổ sung nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, danh mục, nguồn vốn thực hiện dự án.
Nếu được Quốc hội chấp thuận cũng sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục đầu tư, có thể dẫn đến triển khai không đồng bộ với đoạn cao tốc Nam Định - Thái Bình thực hiện theo phương thức PPP (dự kiến hoàn thành năm 2026).
Trường hợp dự án có tham gia của ngân sách địa phương thì sẽ xuất hiện tiêu chí trọng điểm quốc gia cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương phân cấp, phân quyền, bảo đảm triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, sử dụng được ngân sách địa phương đã cam kết bố trí, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục giao UBND tỉnh Ninh Bình, thành phố Hải Phòng chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa phận của từng tỉnh, thành phố.
Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình đường bộ (trong đó bao gồm phương án đầu tư tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua thành phố Hải Phòng và đoạn qua tỉnh Ninh Bình) theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của phó thủ tướng để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Dự án cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa - Chơn Thành được đề xuất làm 4 làn xe theo hình thức đầu tư hợp tác công tư.