Trưa 13.7, PV Thanh Niên có mặt tại khu du lịch Tài Lộc, thôn Đaguri, xã Đa Mi (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) chứng kiến khu du lịch tự phát này đón khách tham quan, ăn uống, hát hò.
Khu du lịch Tài Lộc nằm sâu dưới thung lũng, cách QL55 chừng 500 m, ẩn sâu sau vườn sầu riêng của người dân xã Đa Mi.
Con đường từ QL55 xuống khu du lịch được đổ bê tông rộng khoảng 5 m, chạy ngoằn ngoèo, uốn cong cánh chỏ, xe ô tô có thể xuống tới tận nơi.
Khu du lịch này gồm nhà hàng nổi trên mặt hồ, có phòng nghỉ trên mặt đất và cả các phòng nghỉ nổi trên mặt hồ. Phần nhà hàng được xây dựng bằng sắt thép, gỗ lắp ghép. Một căn nhà kiên cố dùng làm nhà ở gia đình và một khu nhà vệ sinh.
Đáng chú ý, chủ đầu tư khu du lịch này san ủi đất (rừng, vườn sầu riêng) làm đường, làm bãi đậu xe và kè theo ven hồ thủy lợi bằng những tảng đá lớn khá kiên cố.
Trước mặt nhà hàng này, chủ đầu tư cho ủi đất ven rừng thành con đường dài chừng 1 km, men theo mặt nước hồ Đa Mi, chuẩn bị cho các công trình tiếp theo sắp xây dựng.
Tự ý tác động lên đất hồ thủy điện?
Tiếp PV tại trụ sở, Phó chủ tịch UBND xã Đa Mi Trần Đình Hòa, cho biết ông chỉ trực ở UBND xã chứ không phụ trách lĩnh vực này. Ông Hòa nói thêm, hiện Chủ tịch UBND xã đã về huyện họp với UBND huyện để giải quyết vụ việc này. UBND xã đã lập biên bản đối với chủ khu đất là bà N. do tự ý chuyển đổi công năng diện tích đất 94 m2, để có cơ sở xử phạt.
Theo ông Hòa, còn lại toàn bộ khu du lịch là đất hành lang mặt hồ thủy lợi Đa Mi, do Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi làm chủ đầu tư. UBND xã cũng đã gửi công văn cho Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (có trụ sở ở TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đề nghị phối hợp xử lý các sai phạm tại khu du lịch này nhưng vẫn chưa thấy công ty hồi âm (?).
PV đặt vấn đề vì sao khu du lịch lớn như vậy, thi công đã xong và đưa vào khai thác mà chính quyền xã không hay biết, đại diện UBND xã Đa Mi cho biết "do họ làm trong thung lũng sâu nên không ai biết".
Đáng chú ý, khu du lịch này còn mở dịch vụ chở du khách bằng xuồng máy đi tham quan hồ thủy điện Đa Mi, giá 70.000 đồng/lần đi xuồng nếu có ăn uống tại chỗ (tiền ăn tính riêng), 100.000 đồng/người/lần đi xuồng nếu không ăn uống.
Dịch vụ này đang hút khách nhưng khá nguy hiểm vì đưa khách tham quan trên mặt hồ thiếu các điều kiện an toàn. Không chỉ có vậy, chủ khu du lịch này còn đầu tư xây dựng nhiều phòng nghỉ nổi trên mặt hồ cho du khách thuê, có gắn máy lạnh.
Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch, cho biết ông cũng vừa được xã báo cáo vụ việc này. Theo Chủ tịch UBND H.Hàm Thuận Bắc, khu du lịch này tự phát, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép.
Hiện UBND huyện đã chỉ đạo xã củng cố hồ sơ để xử phạt chủ đất cho chuyển đổi công năng với diện tích 94 m2. Còn lại đất mà chủ khu du lịch này tác động đều thuộc đất hồ thủy lợi do Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi quản lý. "Chúng tôi đã có công văn gửi công ty đề nghị phối hợp xử lý, nhưng đến nay họ vẫn chưa phản hồi", ông Thạch cho hay.
Chiều 14.7, trả lời Thanh Niên qua điện thoại, ông Đỗ Minh Lộc, Phó giám đốc Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi khẳng định công ty không có chức năng cho thuê đất lòng hồ. Các tác động của chủ khu du lịch lên đất xung quanh hồ Đa Mi là tự phát.
Sáng cùng ngày 14.7, Điện lực Hàm Thuận Bắc (thuộc Công ty Điện lực Bình Thuận) đã đến khu du lịch này kiểm tra, lập biên bản việc chủ khu du lịch tự ý kéo điện từ một khu vườn nhà dân xuống phục vụ khai thác du lịch.
Sau đó, đại diện Điện lực Hàm Thuận Bắc đã cắt điện toàn bộ khu du lịch không phép này. Theo đại diện Điện lực Hàm Thuận Bắc, việc chủ khu du lịch tự ý kéo điện (từ vườn nhà dân) để phục vụ cho toàn khu du lịch là vi phạm các quy định của ngành điện. "Nếu sau này chủ khu du lịch có giấy phép hoạt động, ký hợp đồng cung cấp điện với chúng tôi, thì lúc đó điện lực mới cung cấp điện cho các hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch", đại diện Điện lực Hàm Thuận Bắc cho biết.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 14.7