Thị trường Halal – “mỏ vàng” chờ khai phá
Theo Vietnam+, ngành công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) nói chung và thực phẩm Halal nói riêng có quy mô lớn và tiềm năng tăng trưởng cao. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đây là nhận định của các đại biểu tại “Hội thảo về thị trường Halal: Khái niệm, tiềm năng và thách thức” do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA) phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM tổ chức chiều 13/7.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM, thông tin thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới hiện phục vụ khoảng 2 tỷ người.
Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt tới 7.000 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028.
Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á-Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Tuấn, mặc dù Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, lại có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal lớn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá.
Mỗi năm, có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm với sản lượng chưa nhiều.
Cùng góc nhìn, theo báo Công Thương, bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, Chủ tịch FFA, cho biết, hiện nay, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.
Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo, mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal, do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… và có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Đặc biệt, vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia hay Malaysia… những quốc gia Hồi giáo đông dân này sẽ là một trong những thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Wong Chia Chiann, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại Tp.HCM, cũng cho rằng, ngành công nghiệp Halal đang là một trong những xu hướng trên thị trường thế giới. Đó là một thị trường trị giá 5.000 tỷ USD.
Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thực phẩm và có vị trí địa lý gần nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi như Malaysia, Indonesia trong khối ASEAN. Halal và tiềm năng của nó mang lại đã có đủ sức hút ở Việt Nam.
Hệ thống hóa tiêu chuẩn Halal
Bà Wong Chia Chiann cho rằng, nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam có hiểu biết chung về Halal. Tuy nhiên, cách hiểu chung về Halal này có thể khác nhau. Một số người nói, “không thịt lợn” – pork-free khi đề cập đến Halal. Một số nói “Thân thiện với người Hồi giáo” – Muslim-friendly là Halal.
Theo bà Wong Chia Chiann, thực phẩm Halal không chỉ không có thịt lợn hoặc không có cồn, mà nguồn thịt hoặc gia cầm cũng phải từ động vật được cho phép tiêu thụ (gà, gia súc, cừu) và phải được giết mổ theo quy tắc Hồi giáo để biến chúng thành Halal.
Vì vậy, cần tiêu chuẩn hóa trong khâu vệ sinh và đảm bảo sạch sẽ. Trong khi đó, động vật ăn thịt, động vật lưỡng cư (như ếch), côn trùng không phải là Halal. Ngoài ra, bất kỳ sự nhiễm bẩn nào từ các nguyên tố bị cấm hoặc chất bẩn cũng khiến thực phẩm không phải là Halal.
Về mặt đóng gói/bảo quản, thực phẩm không phải Halal và thực phẩm Halal phải được bảo quản riêng biệt để tránh bị nhiễm bẩn. Toàn bộ dây chuyền sản xuất phải hợp vệ sinh và không gây hại cho sức khỏe.
"Doanh nghiệp Việt Nam muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo luật Hồi giáo, ví dụ gạo là được phép và thịt lợn thì không được phép.
Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền sản xuất. Việc loại bỏ một thành phần không phải Halal sẽ không làm cho sản phẩm trở thành Halal trở lại. Tất cả nguồn thực phẩm, quy trình vệ sinh cần phải được chứng minh trong quá trình chứng nhận Halal", báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời bà Wong Chia Chiann.
Bàn về vấn đề này, bà Lý Thị Kim Chi cho hay, dù nhu cầu sản phẩm Halal rất lớn nhưng các doanh nghiệp thực phẩm của Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhỏ. Nguyên nhân xuất phát từ việc để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.
Ông Machdares Samael, Quyền trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP.HCM thì cho biết, Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm như sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn... Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn Halal nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này như thủy sản nuôi, nông sản, trà, cà phê…
“Tại một số nơi, nước dùng để chế biến sản phẩm Halal cũng đòi hỏi phải có chứng nhận Halal. Do đó, Halal giờ đây không chỉ mang yếu tố tôn giáo hay an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn mang yếu tố bản sắc và thương hiệu Hồi giáo.
Hiện nay, các tiêu chuẩn Halal ngày càng hoàn thiện, mở rộng ra nhiều nhóm hàng và siết chặt về chất lượng trong đó có các mặt hàng thủy sản nuôi trồng, trà… sẽ tác động ngày càng sâu sắc đến hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam”, ông Machdares Samael nói.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, đến nay, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, thay vào đó là một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal. Do có nhiều hệ thống tiêu chuẩn Halal trên thế giới nên các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam buộc phải làm việc với nhiều tổ chức chứng nhận Halal của các nước để được chấp nhận chứng nhận Halal, khiến cho chi phí cấp chứng nhận tăng lên.
Các chi phí đó cuối cùng do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Halal phải gánh chịu, từ dó làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau, các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam hiện chưa tiếp cận yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp Halal thế giới.
Đội ngũ kiểm định viên theo dõi hoạt động sản xuất các mặt hàng Halal còn có những hạn chế nhất định. Các tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal của ta cũng chưa đủ khả năng tài chính để kết nối thường xuyên với các tổ chức công nhận Halal thế giới.
Về phần mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal gặp khó khăn trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản… theo tiêu chuẩn Halal. Điều này nếu không được giải quyết, sẽ hạn chế khả năng doanh nghiệp Việt Nam trong việc giữ và mở rộng thị trường Halal.
Thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm
Chính vì vậy, bên cạnh việc nhận thức đúng và đầy đủ về thị trường Halal, Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt từ cả phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để vượt qua thách thức, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội do thị trường này đem lại.
Bà Wong Chia Chiann cho rằng muốn khai thác hiệu quả thị trường Halal, Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận Halal của riêng mình, song song việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm. Malaysia đã tiến tới ngành công nghiệp Halal trong số các quốc gia ASEAN từ nhiều năm trước.
Nền tảng vững chắc để phát triển ngành thực phẩm Halal ở Malaysia được thực hiện thông qua các hội thảo và giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực tương thích và tiêu chuẩn hóa Halal bởi Ủy ban Halal Malaysia.
“Để phát triển hệ sinh thái Halal tốt hơn ở Việt Nam trong ngắn hạn, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam đưa các nhân sự /chuyên gia theo đạo Hồi giáo vào tổ chức của họ để phát triển chính sách Halal, ủy ban Halal nội bộ và giám sát quy trình Halal.
Về lâu dài, Malaysia sẽ đề xuất xây dựng các nhân sự, chuyên gia trong nước về quy trình chứng nhận Halal, đặc biệt là trong cộng đồng Hồi giáo. Malaysia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các doanh nghiệp Việt Nam,” bà Wong Chia Chiann khuyến nghị.
Theo báo Công Thương, hợp tác giao thương với Malaysia trong chế biến và xuất khẩu thực phẩm Halal sẽ giúp Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường Malaysia mà còn mở rộng xuất khẩu sang các nước Trung Đông đầy tiềm năng cũng như thâm nhập thị trường Halal toàn cầu. Ước tính, thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm khi nhu cầu về các sản phẩm Halal từ các nước Hồi giáo ngày một tăng.
Minh Hoa (t/h)