Ngày 13-7, người phát ngôn quân đội Ukraine Valeryi Shershen cho biết Ukraine đã nhận bom chùm của Mỹ, chỉ một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo quyết định gây tranh cãi trên.
Việc Ukraine xác nhận bom chùm do Mỹ viện trợ đã mở đầu một giai đoạn leo thang mới trong cuộc chiến với Nga.
Ba mục tiêu của Kiev
Loại bom chùm mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là đạn pháo cải tiến có chức năng kép (DPICM), chứ không phải bom chùm dạng tên lửa hoặc đạn phóng từ trên không.
Thứ nhất, bom chùm sẽ giúp quân đội Ukraine nâng cao hiệu quả các cuộc phản công hiện tại. Trong đó, loại vũ khí này được cho là phù hợp để hỗ trợ quân đội Ukraine tăng cường cả năng lực tấn công lẫn phòng thủ.
Về phương diện tấn công, loại đạn DPICM chuyển giao cho quân đội Ukraine được bắn từ pháo 155mm, với mỗi hộp mang 88 quả bom nhỏ. Mỗi quả bom nhỏ có phạm vi sát thương khoảng 10m2, do đó một hộp duy nhất có thể bao phủ một khu vực rộng tới 30.000m2 rất phù hợp cho việc tấn công các phòng tuyến trải dài với nhiều chướng ngại tự nhiên và hệ thống chiến hào, bẫy chống tăng và trận địa mìn dày đặc.
Ngoài ra, Ukraine được ghi nhận đã từng tìm cách mua bom chùm CBU-100 từ kho dự trữ của Mỹ vào tháng 3 năm nay, sau đó phát huy chức năng "xuyên phá" của loại bom này bằng cách tháo dỡ và sử dụng chúng như những quả bom nhỏ riêng lẻ để thả từ máy bay không người lái xuống nhóm khí tài bọc thép của Nga.
Về phương diện phòng thủ, bom chùm cũng giúp phía Ukraine chống lại các cuộc tấn công bộ binh liên hoàn với số lượng áp đảo mà lực lượng Nga đã sử dụng ở "điểm nóng" Bakhmut.
Thứ hai, bom chùm giúp kéo dài thời gian chịu đựng của quân đội Ukraine cho đến các đợt bổ sung vũ khí mới. Mục tiêu này đặc biệt quan trọng khi đảm bảo khả năng Ukraine được Mỹ cung cấp đạn DPICM cho hệ thống lựu pháo 155mm trên chiến trường. Hiện Mỹ còn tồn kho đến 3 triệu đạn DPICM, trong khi lượng đạn nổ mạnh (HE) 155mm tiêu chuẩn lại không đủ đáp ứng nhu cầu.
Một viên đạn nổ thông thường có khả năng phát tán mảnh đạn rất hạn chế và nhằm vào số mục tiêu đơn lẻ, nhưng một lượt bắn đạn DPICM có thể "phân mảnh" thành 72 quả đạn con với tầm bao phủ rộng gia tăng sát thương đáng kể. Do đó, việc cung cấp đạn DPICM đồng nghĩa với lực lượng pháo binh Ukraine sẽ bắn một số đạn ít hơn đối với một nhóm mục tiêu cụ thể, cho phép nước này duy trì dự trữ đạn pháo và tuổi thọ nòng súng của hệ thống lựu pháo 155mm lâu hơn trước đây.
Thứ ba, Ukraine có thể cùng kéo Nga vào cuộc chiến thông tin về vấn đề sử dụng bom chùm. Mục tiêu này liên quan đến chuỗi thông tin hiện đang được phát tán nhằm cáo buộc Nga sử dụng bom chùm cùng nhiều loại vũ khí trong danh sách bị cấm ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến, gây thương vong cho dân thường ở Ukraine.
Hiện quân đội Ukraine đã cam kết bằng văn bản năm nguyên tắc sử dụng bom chùm để đảm bảo sự ủng hộ của dư luận. Văn bản khẳng định Ukraine chỉ sử dụng trên các vùng lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận, không sử dụng ở các khu vực đông dân cư, lưu giữ hồ sơ các khu vực sử dụng bom chùm, ưu tiên rà phá bom mìn sau chiến sự và luôn báo cáo với đối tác về việc sử dụng này.
Do đó, nếu phía Nga đáp trả bằng cách công khai sử dụng bom chùm trên lãnh thổ Ukraine sẽ dễ "rớt bẫy" khiến uy tín giảm sút ngày càng nghiêm trọng.
Hai kịch bản đáp trả của Nga
Cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đều khẳng định khả năng cao Nga sẽ sử dụng các loại vũ khí tương đương với bom chùm để đáp trả đối ứng động thái của Ukraine. Điều này cho thấy khả năng rất cao Nga sẽ chính thức cho phép quân đội được sử dụng bom chùm.
Tuy nhiên, dường như Bộ Quốc phòng Nga lại có quan điểm thận trọng hơn khi chưa đưa ra hành động cụ thể, dẫn đến hai kịch bản khả thi như sau:
Thứ nhất, Nga quyết định đáp trả đối ứng bằng cách cũng sử dụng bom chùm hoặc "các vũ khí tương đương" để đáp trả như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu vào ngày 11-7.
Ở kịch bản này, xem như phía Nga đã tự vô hiệu hóa các phủ nhận trước đây của họ về việc không cho phép sử dụng bom chùm vì nhận thức rõ về khả năng gây sát thương cho dân thường, đồng thời cũng "hóa lời đồn thành sự thật" với các cáo buộc trước đây từ các tổ chức quan sát độc lập cho rằng Nga từng sử dụng bom chùm ở Ukraine.
Thứ hai, phía Nga quyết định chỉ ghi nhận hồ sơ các hoạt động sử dụng bom chùm của Ukraine và cùng điều tra những cáo buộc trước đây với bên thứ ba. Đồng thời, quân đội Nga sẽ tăng cường tấn công vào các kho chứa đạn chùm của Ukraine và mở rộng khả năng phòng thủ đạn pháo, tích cực rà phá bom mìn loại nhỏ.
Rõ ràng, việc sử dụng bom chùm lúc này không chỉ có lợi về toàn cục cho Ukraine mà còn có khả năng ép Nga phải rớt vào một "cái bẫy" pháp lý. Quyết định đáp trả của Nga lúc này không chỉ liên quan đến diễn biến trên thực địa mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của Nga trên trường quốc tế trong giai đoạn hậu kỳ cuộc chiến.
Trong đó, chỉ có kịch bản phía Nga không chọn cách đáp trả đối ứng có thể giúp nước này thoát khỏi khả năng bị khép vào những tội ác chiến tranh mà các bên đang cáo buộc để hỗ trợ cho Ukraine.
123 nước cấm bom chùm
Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Mỹ vẫn cung cấp bom chùm cho Ukraine. Cả hai quốc gia này đều chưa ký Công ước Oslo về chống bom chùm năm 2008.
Việc sử dụng bom chùm đã bị 123 quốc gia cấm trên toàn cầu. Nhiều quốc gia, trong đó có Đức, Tây Ban Nha và Canada, đã phản đối quyết định của Mỹ về việc gửi bom chùm sang Ukraine.
Ngày 13-7, người phát ngôn quân đội Ukraine Valeryi Shershen cho biết Ukraine đã nhận bom chùm của Mỹ, chỉ một tuần sau khi Washington thông báo quyết định gây tranh cãi trên.