Việt Nam sẽ làm việc với phía Campuchia để kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet.
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn tại cuộc họp với đại diện các bộ, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tây Ninh về dự án đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Ông Tuấn cũng cho biết Bộ Giao thông vận tải thống nhất làm đường cao tốc này giai đoạn 1 tới km53+850 quốc lộ 22, cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 5km.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng kết luận thống nhất điểm đầu dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giao với đường vành đai 3 TP.HCM và hướng tuyến cơ bản song song với quốc lộ 22 hiện hữu; giai đoạn 1 đầu tư với bốn làn xe cao tốc, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch sáu làn xe.
Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm việc với phía Campuchia để có phương án kết nối hai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bavet tối ưu.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh sớm có phương án đầu tư mở rộng đường khu vực cửa khẩu Mộc Bài để đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, lượng xe tăng cao khi đưa vào khai thác hai tuyến cao tốc ở Việt Nam và Campuchia.
Trong khi đó, đầu tháng 6, Campuchia khởi công xây dựng đường cao tốc Phnom Penh - Bavet. Đây là tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài của Việt Nam. Đường cao tốc này nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng (giáp với tỉnh Tây Ninh) có chiều dài hơn 135km.
Kinh phí đầu tư cho dự án khoảng 1,6 tỉ USD. Tuyến cao tốc này được xây dựng nhằm đẩy mạnh kết nối, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; đặc biệt là nhằm tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi thương mại giữa Campuchia và Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực.
Vào đầu tháng 6, Thái Lan cũng đã thông báo hoàn tất giai đoạn cuối cùng của dự án mở rộng đường cao tốc số 12, kết nối nước này với Myanmar và Lào.
Chính phủ Thái Lan đã đầu tư 5,8 tỉ baht (166 triệu USD), nhằm mở rộng đoạn đường dài 115,6km nằm giữa hai tỉnh Kalasin và Mukdahan lên thành đường cao tốc bốn làn xe.
Theo báo Bangkok Post, đường cao tốc số 12 của Thái Lan là một phần trong tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). EWEC liên kết bốn quốc gia Đông Nam Á, từ Myanmar ở phía tây, qua Thái Lan, Lào rồi tới Việt Nam ở phía đông.
EWEC dài 1.530km, trong đó có khoảng 793km nằm trên lãnh thổ Thái Lan. Phần cao tốc trên đất Thái Lan bắt đầu từ cây cầu Hữu nghị Thái - Myamar số 2 ở quận Mae Sot, tỉnh Tak, kết nối qua các tỉnh trước khi tới Mukdahan, nơi kết nối với Lào qua cây cầu Hữu nghị Thái - Lào.
Tại Việt Nam, EWEC bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) qua quốc lộ 9 - quốc lộ 1 và kết thúc ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Chính phủ Thái Lan đánh giá việc hoàn thành tuyến cao tốc sẽ mang lại lợi ích cho ngành hậu cần cũng như thương mại và du lịch, vì nó kết nối hiệu quả bờ biển Andaman với Biển Đông.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết tuyến đường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế xuyên biên giới giữa các nước trong khu vực, qua đó cải thiện chất lượng sống của người dân dọc biên giới. Bộ Tài chính Thái Lan khẳng định EWEC sẽ thúc đẩy thương mại xuyên biên giới ít nhất 50%.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất làm đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 tới km53+850 quốc lộ 22, cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 5km. Sau đó làm việc với phía Campuchia để kết nối với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bà Vẹt.