vĐồng tin tức tài chính 365

Thủ tướng: Ngân hàng và DN quan hệ "cộng sinh" nên "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"

2023-07-15 15:39

Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm

Sáng 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh sứ mệnh, nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngành ngân hàng đối với đất nước, được thể hiện rõ trong Luật NHNN Việt Nam, nhất là trên 3 phương diện chính: Bảo đảm giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Bảo đảm cung cấp nguồn vốn tín dụng và hệ thống thanh toán cho nền kinh tế; Bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp (DN).

Theo Thủ tướng, trong 6 tháng đầu năm và thời gian qua, nền kinh tế nước ta chịu "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế… Song kinh tế - xã hội 6 tháng nhìn chung tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước.

Thủ tướng: Ngân hàng và DN quan hệ cộng sinh nên lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Thủ tướng nêu rõ, trong kết quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của NHNN và toàn ngành ngân hàng. Cụ thể là giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). 

Điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối, trong khi nhiều nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất điều hành.

Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo thống kê, đến cuối tháng 5/2023, đã cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 11.200 khách hàng với dư nợ trên 24.800 tỷ đồng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nhấn mạnh hoạt động của ngành ngân hàng còn những hạn chế, bất cập. Mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

"Tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình chưa sát; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời…", Thủ tướng đánh giá.

Mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả" giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Chia sẻ một số vấn đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng lưu ý, Thủ tướng khẳng định ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của NHNN. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo, quản trị ngân hàng đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi thì nỗ lực lớn hơn nữa, hành động rồi thì hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, phát huy "tâm, tài, trí, tín" để "vượt sóng, vượt gió" đi lên. 

"Cần phải đặt lợi ích chung, lợi ích của nhân dân lên trên hết", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng: Ngân hàng và DN quan hệ cộng sinh nên lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ - Ảnh 2.

Theo Thủ tướng, giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả"

Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả", nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. 

"Đây là mối quan hệ "cộng sinh" cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Doanh nghiệp, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, "trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai", Thủ tướng nói.

Quyết liệt giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm.

Tại đây, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng; trong đó hoàn thiện dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi Luật NHNN, Luật Bảo hiểm tiền gửi…

Thủ tướng nhấn mạnh Luật phải sát thực tiễn, có tính dự báo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo môi trường phát triển thuận lợi

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

"Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay", Thủ tướng nhấn mạnh.

Điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung, khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống.

Thủ tướng: Ngân hàng và DN quan hệ cộng sinh nên lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ - Ảnh 3.

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay

Về thị trường trái phiếu, Thủ tướng cho rằng mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á. Trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.

Thủ tướng chỉ đạo cần kiểm soát việc "đại chúng hoá" ở thị trường thứ cấp; phải phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.43841204151703202-es-aihc-or-iur-aoh-iah-hci-iol-nen-hnis-gnoc-eh-nauq-nd-av-gnah-nagn-gnout-uht/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thủ tướng: Ngân hàng và DN quan hệ "cộng sinh" nên "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools