Ngày 15.7, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM phối hợp Hội Y học TP.HCM (HMA) và Liên chi hội Tim mạch TP.HCM (HCA) tổ chức hội nghị tim mạch Việt Nam - Ấn Độ "điều trị tối ưu bệnh lý tim mạch".
Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự trực tiếp của nhiều giáo sư, bác sĩ hàng đầu về tim mạch Ấn Độ và Việt Nam. Tăng huyết áp, tiểu đường, tai biến... là những bệnh lý được quan tâm, chia sẻ.
Tại hội nghị, các chuyên gia hàng đầu của Ấn Độ và Việt Nam trình bày về các chủ đề mới liên quan đến điều trị tối ưu các bệnh lý tim mạch trong thực hành y khoa. Như điều trị tối ưu tăng huyết áp, cập nhật điều trị suy tim, quản lý bệnh mạch vành trong thực hành lâm sàng, tai biến mạch máu não… nhằm cung cấp thông tin chi tiết về các số liệu dịch tễ bệnh tật ở cả 2 nước. Từ đó tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các cơ sở y tế, bác sĩ, chuyên gia tim mạch.
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM cho biết, hiện bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành đang gia tăng cùng với lối sống không lành mạnh của xã hội hiện đại và sự lão hóa của một bộ phận dân số.
Hiện nay, bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do tai biến mạch máu não được ghi nhận là đã tăng đến 164,9 ca/100.000 dân.
Giáo sư - bác sĩ Partha Sarathi Banerjee, Trưởng cố vấn về tim mạch can thiệp, cựu Chủ tịch Hội Tim mạch Ấn Độ trình bày về điều trị tối ưu tăng huyết áp. Ông nêu rõ suy tim, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, phình động mạch chủ... là những bệnh đóng góp vào việc gây tăng huyết áp.
Giáo sư - bác sĩ Partha Sarathi Banerjee nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với việc quản lý tăng huyết áp khi nó giúp tích hợp việc đo huyết áp với nhiều cảm biến cầm tay và điện thoại thông minh, để cho phép theo dõi huyết áp một cách liên tục, thuận tiện.
Cũng tại hội nghị, ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ mời Hội Y học TP.HCM lên kế hoạch đào tạo y khoa liên tục (CME) trong các chủ đề lâm sàng khác nhau vì lợi ích của các bác sĩ trẻ của cả 2 nước.
Ông Madan Mohan Sethi cũng mời các bác sĩ trẻ từ TP.HCM tham dự đào tạo về hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở y học Ấn Độ, quản lý đái tháo đường và phẫu thuật robot. Tổng lãnh sự quán Ấn Độ sẽ hỗ trợ trong các vấn đề này.