Long Thành là xã thuần nông ở vựa lúa Yên Thành (Nghệ An). Nơi đây vốn nổi tiếng với nghề bắt lươn đồng như câu lươn, thả trúm, thậm chí là bằng tay không từ bao đời nay. Cha truyền con nối, cứ thế người dân trong vùng phần lớn đều sở hữu bí kíp bắt lươn đồng “siêu đẳng”.
Để phục vụ người dân trong xã cũng như trong vùng, nhiều người dân ở xã Long Thành còn theo nghề thủ công làm trúm bắt lươn đồng. Trúm lươn ở đây được làm bằng tre, nứa và cây trúc - loại nguyên liệu có nhiều ở các huyện miền Tây Nghệ An. Khi lươn vào trúm ăn mồi có thể sống trong thời gian dài mà không bị chết như các loại trúm làm bằng ống nhựa polime.
Lươn đồng được chọn kỹ lưỡng, làm sạch trước khi bắt đầu sơ chế - Ảnh: Phan Ngọc |
Công nhân làm thịt, lóc xương lươn - Ảnh: Phan Ngọc |
Khoảng chục năm trở lại đây, khi đánh bắt được lươn đồng, nhiều hộ dân tại làng Phan Thanh (xã Long Thành) bắt đầu sơ chế lươn để bán thay vì bán ngay. Không chỉ dừng lại ở sơ chế, lươn còn được chế biến thành nhiều món ngon như: Lươn đồng cuộn thịt, lươn đồng sấy khô, lươn đồng ướp gia vị, lươn đồng phi lê… Vì thế giá trị của con lươn đồng nơi đây cũng được “nâng tầm” lên cao hơn.
Đầu năm 2022, làng Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Làng nghề chế biến lươn truyền thống. Đặc sản lươn đồng làng Phan Thanh ngày càng nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn xa khắp cả nước, xuất khẩu sang một số nước châu Á với hương vị thơm ngon, đậm đà.
Lươn được loại bỏ phần ruột sau khi luộc - Ảnh: Phan Ngọc |
Chị Nguyễn Thị Ngân (29 tuổi, trú làng Phan Thanh) cho biết, trung bình mỗi ngày gia đình thu mua và chế biến từ 250 - 300kg lươn đồng. “Lươn được chế biến theo công thức từ đời cha ông để lại, với các loại gia vị tự nhiên để làm sao giữ được chất lượng tốt nhất cho con lươn”, chị Ngân nói.
Anh Nguyễn Minh Thao (trú làng Phan Thanh) cho hay, nghề sơ chế lươn không quá phức tạp, nhưng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì lươn mới đảm bảo chất lượng và có giá trị dinh dưỡng. Lươn được chọn lựa kỹ trước khi bắt đầu công đoạn sơ chế.
Trước hết phải còn sống, sau đó lươn được làm sạch, loại bỏ phần ruột, xương. Trước khi luộc lươn, người dân làng nghề Phan Thanh thường sử dụng thêm nghệ tươi giã nhỏ để khử mùi tanh đặc trưng của lươn, “nhuộm vàng” lươn.
Không chỉ sơ chế, lương đồng ở làng Phan Thanh còn được chế biến thành nhiều món như lươn đồng cuộn thịt, lươn đồng sấy khô, lươn đồng ướp gia vị... Ảnh: Phan Ngọc |
Các sản phẩm từ lươn đồng được đóng gói, hút chân không để vận chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước - Ảnh: Phan Ngọc |
Ông Nguyễn Văn Đề - Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết, hiện Làng nghề chế biến lươn Phan Thanh có 51 hộ dân theo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Nhiều gia đình giàu có lên nhờ nghề sơ chế lươn, trung bình mỗi hộ làm nghề thu từ vài trăm đến cả tỉ đồng mỗi năm. Riêng lao động làm sơ chế lươn cũng có thu nhập ổn định, từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Theo ông Đề, trung bình mỗi năm làng Phan Thanh chế biến và xuất bán ra thị trường từ 1.200-1.500 tấn lươn thành phẩm. “Lươn đồng ngày càng ít dần, bởi thế hiện người dân làm nghề chế biến lươn đồng ở Phan Thanh phải đi đến nhiều tỉnh khác để thu mua lươn đồng mới đủ nguyên liệu”, ông Đề nói.
Phan Ngọc
Xem thêm: lmth.8546941a-man-iom-gnod-noul-nat-005-1-neib-ehc-gnal/nv.moc.enilnounuhp.www