Sáng nay 17-7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ban, ngành và các tỉnh thành Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An để chỉ đạo ứng phó với bão số 1.
Dự kiến sơ tán gần 30.000 người
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết để ứng phó với bão số 1, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12h ngày 17-7, Hải Phòng dự kiến từ 21h ngày 17-7.
Các địa phương khác tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Trong đó các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán gần 30.000 người.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h ngày 17-7 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.000 tàu/226.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.
"Tính đến 18h ngày 16-7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn tổng số hơn 17.000 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo. Toàn bộ khách du lịch đã nhận được thông tin về bão và bắt đầu di chuyển về đất liền. Đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn", ông Luận nói.
Tâm bão dự kiến vào Quảng Ninh - Thái Bình
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 7h sáng nay, bão số 1 đang mạnh cấp 11-12, giật cấp 15 và đang cách bán đảo Lôi Châu 310km về phía Đông Đông Nam.
Theo ông Khiêm, các dự báo của Việt Nam và quốc tế tương đối thống nhất, tuy nhiên hướng di chuyển và cường độ có sự khác biệt nhất định.
"Dự báo trong sáng và chiều nay, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau khi vượt qua đảo Lôi Châu thì bão sẽ tiến vào Vịnh Bắc Bộ.
Theo dự báo của Nhật, dự báo bão đi vào từ nam đồng bằng Bắc Bộ kéo dài lên tới Quảng Tây (Trung Quốc). Dự báo của Mỹ thì vùng đổ bộ là từ Hải Phòng đến Quảng Tây.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ giờ đến chiều, bão duy trì cường độ cấp 11-12, có thể tăng thêm cấp, hướng về bán đảo Lôi Châu. Sau khi qua Trung Quốc, do gặp ma sát, bão giảm 1-2 cấp khi vào vịnh Bắc Bộ.
Khả năng cao bão đi vào Quảng Ninh - Hải Phòng. Tuy nhiên, đây là cơn bão mạnh và có hoàn lưu rộng nên phạm vi ảnh hưởng bao trùm cả Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.
"Phương án bão đi lên phía Bắc bán đảo Lôi Châu và sau đó men dọc theo đất liền Trung Quốc thì mưa, gió ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam sẽ ít hơn", ông Khiêm nói.
Về tác động của bão trên đất liền, ông Khiêm cho biết trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão gồm các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình với cường độ gió bão mạnh cấp 9-10, sâu hơn trong đất liền có thể đạt cấp 7-8, giật cấp 10. Thời gian gió mạnh nguy hiểm nhất trên đất liền từ trưa và chiều 18-7.
"Hoàn lưu bão tương đối rộng nên từ hôm nay rìa phía tây của bão có thể tác động tới đất liền Việt Nam và vịnh Bắc Bộ gây mưa dông, lốc, gió giật mạnh", ông Khiêm nói và cho biết từ đêm 17-7 đến ngày 20-7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ trên sông suối nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Nguy cơ sạt lở đất ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Đêm qua và rạng sáng nay, bão số 1 (bão Talim) tiếp tục tăng lên cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15. Từ tối nay, ở miền Bắc mưa rất to, có nơi trên 500mm.