Hãng tin Reuters dẫn lại Nhật Báo Tân Cương (Trung Quốc) cho biết nước này đã đo được mức nhiệt kỷ lục 52,2 độ C vào hôm 16-7 ở thị trấn Sanbao, thuộc vùng trũng Turpan ở khu tự trị Tân Cương.
Dự báo nhiệt độ nóng kỷ lục tại đây sẽ còn kéo dài ít nhất năm ngày nữa.
Mức nhiệt này đã phá vỡ kỷ lục trước đó là 50,3 độ C, đo được vào năm 2015 ở khu vực hồ Ngải Đinh cũng thuộc khu tự trị Tân Cương. Đây là một khu vực rộng lớn gồm cồn cát và hồ khô cạn ở độ sâu 150 mét dưới mực nước biển.
Tại Trung Quốc, thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lưới điện và mùa màng, đồng thời đặt ra lo ngại về khả năng tái diễn đợt hạn hán tương tự như năm 2022.
Năm ngoái Trung Quốc đã phải đối diện với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 60 năm.
Trung Quốc cũng đang chứng kiến mức độ cực đoan ngày càng gia tăng trong sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa các mùa.
Vào ngày 22-1-2023, nhiệt độ ở thành phố Mohe, phía đông bắc tỉnh Hắc Long Giang, đã giảm xuống âm 53 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ thấp nhất mọi thời đại ở Trung Quốc trước đó (52,3 độ C vào năm 1969).
Kể từ đó, miền trung Trung Quốc đã phải hứng chịu những trận mưa lớn nhất trong suốt một thập kỷ qua, gây ra sự tàn phá với những cánh đồng lúa mì ở khu vực này.
Kể từ tháng 4-2023, các nước châu Á đã phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kỷ lục.
Ngày 17-7 ông John Kerry - đặc phái viên về khí hậu của Mỹ - đã tới Bắc Kinh và hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa. Hai nước này đang tìm cách thúc đẩy những nỗ lực chống lại sự ấm lên toàn cầu.
Nắng nóng gay gắt đang bao trùm nhiều nơi ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, đe dọa con người, cây trồng và vật nuôi.