Chiều 17-7, sau khi viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án vụ chuyến bay giải cứu, các bị cáo được trình bày phần tự bào chữa. Trong khi nhiều bị cáo đề nghị cho luật sư bào chữa trước thì Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra) xin được tự bào chữa.
Cựu điều tra viên cho rằng cơ quan tố tụng chỉ buộc tội bị cáo dựa trên lời khai
Trong khoảng 40 phút trình bày, Hưng nhiều lần khẳng định mình bị oan, không thực hiện hành vi phạm tội như cáo buộc. Theo lời bào chữa của Hưng, đến nay cơ quan tố tụng buộc tội bị cáo chỉ dựa trên lời khai mà "không đưa ra được chứng cứ".
Hưng cho rằng cơ quan điều tra khởi tố, định tội danh với bị cáo là "hết sức nóng vội". "Việc khởi tố không có bất cứ chứng cứ nào, mà chỉ dựa vào lời khai của anh Tuấn (Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội) trong khi bị cáo không được giải trình", Hưng trình bày.
Hưng còn dẫn giải hàng loạt quy định pháp luật để cho rằng quá trình điều tra "có nhiều vi phạm tố tụng", lời của Hưng.
Hưng khẳng định ngay từ khi bị khởi tố đã kêu oan, nhưng thời điểm ấy "cơ quan điều tra không thực hiện hỏi cung ngay". Gần ba tháng sau, trước khi kết thúc điều tra thì mới diễn ra buổi hỏi cung đối với bị cáo trong 10 tiếng, Hưng trình bày.
"Khi bắt đầu hỏi cung, cơ quan điều tra đều nói có căn cứ nhưng bị cáo không được xem. Sau này có kết luận điều tra bị cáo mới biết căn cứ đó chỉ là lời khai của ông Tuấn", Hưng bào chữa và cho rằng cơ quan tố tụng "áp đặt bất lợi cho bị cáo".
Hưng đưa ra nhiều phân tích các buổi đối chất tại cơ quan điều tra và cho rằng nhiều lần ông Tuấn, bà Hằng phải điều chỉnh lời khai trong khi "bị cáo nhất quán từ đầu đến cuối". Cựu điều tra viên còn khẳng định khi đối chất "bà Hằng được sử dụng tài liệu chuẩn bị trước" và "điều này gây bất lợi cho bị cáo".
Cựu điều tra viên còn đưa ra nhiều phân tích cho rằng cơ quan điều tra "bỏ lọt tội phạm" đối với hành vi của ông Tuấn có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và môi giới hối lộ khi nhận hơn 2 triệu USD từ Hằng. Trong phần này, chủ tọa hai lần ngắt lời yêu cầu Hưng tập trung vào phần tự bào chữa liên quan cáo buộc đối với bị cáo.
Tiếp tục tự bào chữa, Hưng đưa ra lập luận cho rằng cơ quan điều tra "buộc tội bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, số tiền lớn nhưng không có bất cứ chứng cứ nào, mà chỉ có lời khai của anh Tuấn".
Cựu điều tra viên khẳng định "không có bất cứ động cơ nào" khi tiếp xúc với bà Hằng, mà chỉ vì công việc, động viên Hằng ra tự thú. Hưng giải thích rằng vì Tuấn mới tiếp xúc Hằng, động viên ra đầu thú vì muốn tốt cho bà Hằng. Ngoài bà Hằng, bị cáo còn động viên ba người khác ra tự thú mà không liên hệ không đòi hỏi bất cứ lợi ích gì.
Chủ tọa nhắc nhở Hưng khi đánh giá nhân cách bị cáo khác
Khi tự bào chữa, Hưng có những lời lẽ không đúng mực khi đánh giá nhân cách bà Hằng và bị chủ tọa nhắc nhở "không được xúc phạm người khác".
Hưng tiếp tục khẳng định không hướng dẫn bà Hằng khai báo. "Khi ra tự thú, ngay ngày đầu tiên Hằng đã tự thú sai phạm và khai Sơn không biết gì việc đưa hối lộ. Hai tuần sau bị cáo mới gặp chị Hằng nên bị cáo không thể hướng dẫn thời điểm này", Hưng tự bào chữa.
Về cáo buộc 2 lần nhận tiền từ Tuấn, tổng 800.000 USD, bị cáo Hưng cho rằng "có nhiều điểm vô lý". Cụ thể, lần đầu tiên nhận 350.000 USD, Hưng cho rằng không có nhân chứng, không có chứng cứ và không có ngày giờ cụ thể nhận tiền.
Theo Hưng, cơ quan tố tụng chưa chứng minh được Hưng "hối thúc đưa tiền như thế nào", mà chỉ căn cứ vào lời khai của ông Tuấn.
Về khoản tiền 450.000 USD, Hưng cho biết ngay từ đầu bị cáo thừa nhận có nhận chiếc cặp nhưng "vấn đề trong đó có tiền không, ngoài lời khai của Tuấn không có bất cứ chứng cứ nào", Hưng tự bào chữa.
Hưng biện minh nếu trong chiếc cặp đó là tiền, bị cáo có hành vi lừa đảo thì hoàn toàn có thể nhận ở nơi khác chứ không thể nhận ở cổng cơ quan, nơi có camera.
Hưng còn nói mình "là người ngay thẳng" khi có thời gian để ngụy tạo lời khai giữa mình và lái xe riêng mà không thực hiện.
"Ngày 29-12- 2022 anh Tuấn bị bắt, đến 11-1-2023 bị cáo bị bắt, hơn 10 ngày nếu bị cáo không ngay thẳng, hoàn toàn có thể thống nhất với lái xe tạo ra lời khai có lợi cho bị cáo nhưng bị cáo không làm. Bị cáo là rất ngay thẳng nên đã không làm việc này", Hưng phân trần.
Hưng tiếp tục khẳng định cơ quan tố tụng chưa chứng minh được mình yêu cầu chuyển tiền thời điểm nào, bằng cách nào. "Vậy ở đây không chứng minh được hay không có?", Hưng nói và mong hội đồng xét xử cùng viện kiểm sát phân tích để xem xét.
Thậm chí, Hưng còn cho rằng viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố đối với mình khi "không có chứng cứ, chỉ có một lời khai, bản thân bị cáo không có bất cứ lời khai nào".
"Ở đây có sự phê chuẩn ủng hộ nhau hay không giống lãnh đạo Viện kiểm sát tối cao từng phát biểu tại hội nghị tư pháp", Hưng nói và cho rằng khi bị can kêu oan, viện kiểm sát phải tiến hành hỏi cung nhưng trong suốt giai đoạn điều tra "không có bất cứ buổi hỏi cung nào từ kiểm sát viên".
Cuối phần tự bào chữa, Hưng nói muốn trình bày thêm nhưng "xúc động không nói ra được".
Cựu điều tra viên còn gửi lời tới cựu phó giám đốc Công an Hà Nội: "Nếu không có tác động nào, anh Tuấn không trình bày vậy. Bị cáo tin anh Tuấn khi nghĩ thông suốt, nhận ra ai thực sự là bạn của anh Tuấn, khi đạo nghĩa và tình người vượt lên tất cả, anh sẽ suy nghĩ lại".
Trước đó, trong phần luận tội, viện kiểm sát nhận định bị cáo Hưng không thành khẩn khai báo, không chịu trả lại số tiền hưởng lợi bất chính và đề nghị mức án 19-20 năm tù.
Viện kiểm sát đưa ra nhiều lập luận cho rằng đủ căn cứ kết luận các bị cáo thực hiện kế hoạch chạy án 2,6 triệu USD, tương đương hơn 61 tỉ. Riêng Hoàng Văn Hưng đủ căn cứ xác định đã thực hiện hành lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD.
Theo viện kiểm sát, cựu trưởng phòng an ninh không thành khẩn khai báo, không khắc phục hậu quả liên quan kế hoạch chạy án vụ chuyến bay giải cứu, nên đề nghị mức án 19 - 20 năm tù.