Tại các huyện ven biển, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã liên lạc với toàn bộ phương tiện tàu thuyền để thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 1 và kêu gọi các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh, trú an toàn.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền; rà soát phương án, sẵn sàng di dời, sơ tán lao động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, người sinh sống trong các khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông vào nơi an toàn theo chỉ đạo của cấp trên.
Các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn kiểm tra, rà soát hệ thống đê sông, đê biển và các trọng điểm xung yếu ở 2 tuyến đê số 5 và số 6 để có phương án bảo vệ các công trình.
Thực hiện kiểm tra, rà soát, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại... trên bãi sông, ven sông, trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở các địa phương ven biển; sẵn sàng phương án chống úng để bảo vệ lúa lúa, hoa màu, vùng trũng, thấp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi tình huống xấu xảy ra trong bão số 1.
KHẨN CẤP: Bão số 1 (bão Talim) còn cách Móng Cái 400 km, gió giật cấp 15
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, địa bàn tỉnh có 1.008 phương tiện với 2.894 lao động đang làm ăn trên biển.
Trong đó, có 14 phương tiện với 104 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 52 phương tiện với 235 lao động hoạt động ven biển Thái Bình; 915 phương tiện với 2.444 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 27 phương tiện với 111 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.
Đến chiều tối 16.7, tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có tàu thuyền hoạt động ở vùng nguy hiểm.
Ngoài ra, toàn tỉnh Thái Bình hiện có 1.159 chòi ngao với 1.193 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.150 đầm với 1.600 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà; có 692 lồng, bè trên sông, trong đó H.Hưng Hà chiếm nhiều nhất với 287 lồng, H.Quỳnh Phụ có 220 lồng…
Về sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 17.7, toàn tỉnh Thái Bình có 68.302 ha diện tích lúa mùa đã gieo cấy, có 8.570 ha cây màu đã thu hoạch.