Bác sĩ Đỗ Duy Cường - giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - nhận định hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp.
Tử vong vì thủy đậu
Cụ thể, mới đây chị T.M. (28 tuổi, trú tại Hà Nội) mắc bệnh viêm cầu thận lupus đã được điều trị cách đây 1 tháng và mới ra viện được 10 ngày. Sau đó, chị xuất hiện đau vùng thắt lưng cột sống nhập viện điều trị với chẩn đoán đau lưng cấp.
Trong quá trình điều trị các bác sĩ phát hiện chị M. có nốt phỏng nước ở mặt, lan xuống ngực, bụng nên đã chuyển Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
Sau khi làm các xét nghiệm và thăm khám cần thiết, chị M. được chẩn đoán bị thủy đậu, không rõ nguồn lây. Sau hai ngày điều trị tích cực, chị M. tử vong do thủy đậu diễn biến nặng.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân nam 32 tuổi được chuyển vào trung tâm điều trị được chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.
Theo người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện điều trị 2 tuần, nam bệnh nhân có tiếp xúc với con trai mắc thủy đậu. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Do tình trạng chuyển biến nặng, bệnh nhân tử vong ngay sau đó.
Theo bác sĩ Cường, trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền.
Người lớn mắc thủy đậu: Không thể chủ quan
Bác sĩ Cường cho hay nhiều người lớn mắc thủy đậu còn chủ quan, không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng khó lường.
Cụ thể, mới đây bệnh viện tiếp nhận thêm một nam bệnh nhân 29 tuổi (trú Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng khó thở, tổn thương da toàn thân, sốt, biến chứng suy gan, suy hô hấp,…
Theo người nhà cho biết bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về, 2 hôm sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở mới nhập viện. Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh gút. Hiện bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực.
"Thủy đậu thường mắc ở trẻ em nên nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu vì vậy rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.
Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận.
Đặc biệt một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì vi rút sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.
Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời", bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Chủ động phòng bệnh
Bác sĩ Cường khuyến cáo người dân nên đi tiêm phòng vắc xin thủy đậu, không nên chủ quan. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp.
Ngoài ra, người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.
Theo các chuyên gia, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm thường xuất hiện dịch bệnh thủy đậu ở trẻ em. Vì bệnh lành tính, thường gặp nên nhiều cha mẹ dễ chủ quan dẫn đến biến chứng cho trẻ.