Theo thiết kế, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, đi qua tỉnh Bình Thuận (dài 47,7 km) và Đồng Nai (dài 51,3 km). Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp (gói 1 - 2 thuộc địa bàn Bình Thuận và gói 3 - 4 thuộc Đồng Nai).
Để có đất đắp phục vụ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp phép cho các đơn vị thi công được khai thác 4 mỏ đất đắp (cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp) trên địa bàn H.Xuân Lộc và H.Cẩm Mỹ.
Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng các khu vực cải tạo đất trên.
Qua kiểm tra, Sở NN-PTNT đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đồng Nai về hiện trạng khu vực cải tạo đất tại đồi Bình Minh (xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) có nguy cơ sạt lở nặng và kiến nghị biện pháp xử lý.
Cụ thể, qua kiểm tra đoàn ghi nhận đơn vị cải tạo là liên doanh nhà thầu Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty TNHH xây dựng Trung Chính (Liên doanh Vinaconex - Trung Chính, thi công gói thầu số 3) đã không tuân thủ theo phương án được chấp thuận, việc cải tạo không phân tầng khai thác, tạo vách đứng cao 15 - 30 m và góc dựng đứng 90 độ so với mặt bằng.
Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, cốt kết thúc cải tạo mặt bằng có hiện tượng thấp hơn so với phương án từ 1,5 - 2 m, không thực hiện thu gom lớp đất mặt mà thực hiện hoàn thổ tại chỗ ở một số vị trí thuộc phạm vi phương án.
Qua việc đơn vị cải tạo không tuân thủ việc thu hồi đất theo phương án, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai nhận định có thể khối lượng đất khai thác ngoài cấp phép là khá lớn (phần mái dốc, quá cốt khai thác).
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu lên thực trạng nguy cơ sạt lở tại khu vực này rất cao do mái dựng đứng với chiều cao lớn, gây mất an toàn công trình và có thể gây thiệt hại tính mạng, tài sản.
Do đó, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Liên doanh Vinaconex - Trung Chính thực hiện ngay các biện pháp chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản trong khu vực. Quá trình xử lý phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia. Đồng thời di chuyển ngay trang thiết bị, tài sản, người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo, rào chắn, bố trí người cảnh báo khu vực nguy hiểm; chỉ đạo việc đánh giá nguy cơ sạt lở đất để có biện pháp xử lý kịp thời và khắc phục ngay việc mất an toàn trong khu vực.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT còn kiến nghị chỉ đạo việc tổ chức đo đạc thực tế, xác định rõ phạm vi, khối lượng đất khai thác ngoài cấp phép, từ đó xác định mức độ sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan, giao cấp thẩm quyền xử lý theo quy định.
Sáng 18.7, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc điều hành gói thầu số 3 (Liên doanh Vinaconex - Trung Chính) thừa nhận, việc cải tạo đất có tạo vách dựng đứng, nhưng ông cho rằng vẫn nằm trong phạm vi quả đồi, không có khai thác vượt quá phạm vi cấp phép. Cũng theo ông Hải, khu vực trên cách khá xa nhà dân, hiện đơn vị đang lên phương án bạt đất tại các vách dựng đứng để tạo độ dốc, ngăn chặn việc sạt lở.