Theo Vietnamnet, thông tin từ CNBC, Google từng phát triển ứng dụng chatbot AI cho người dùng Gen Z, tích hợp các nhân vật kỹ thuật số có khả năng tương tác. Dù vậy, trong lần tái cơ cấu nội bộ, dự án bị giảm mức độ ưu tiên. Thông thường, khi rơi vào tình huống này, dự án sẽ chấm dứt.
CNBC đưa tin dự án bắt đầu từ quý IV/2021. Bản mô tả dự án cho rằng các cuộc hội thoại như con người của chatbot sẽ hấp dẫn với Gen Z. Chúng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn để hiểu yêu cầu và phản hồi. Trong một ví dụ, chatbot tham gia trò chuyện với người dùng, hỏi ngược lại họ và thậm chí còn tư vấn tình cảm.
Chatbot AI cho Gen Z nằm trong số các dự án liên quan đến AI sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn của Google trong vài tháng qua. Sau khi chatbot ChatGPT ra mắt cuối năm 2022, lãnh đạo Google đã ưu tiên Bard, trợ lý AI tương tự. Một số thành viên trong nhóm phát triển Bubble Characters được yêu cầu tạm dừng công việc để tập trung cho Bard.
Trong khi đó, vài nhà nghiên cứu AI hàng đầu của Google đã rời công ty để khởi nghiệp, thu hút không ít đầu tư. Chẳng hạn, Character.AI – startup chatbot cộng tác hai năm tuổi của cựu chuyên gia Google Noam Shazeer và Daniel De Freitas – vừa huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn do quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz dẫn đầu vào tháng 2.
Chat GPT từng bị một số nước cấm hoạt động. Theo báo Đầu Tư, cơ quan quản lý quyền riêng tư của Ý đã tạm thời cấm Chat GPT của OpenAI vì cho rằng, công cụ này đang thu thập và lưu trữ thông tin không đúng cách và tạo ra những khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra quy tắc AI mới.
Ý được cho là một trong những quốc gia đầu tiên hạn chế việc sử dụng Chat GPT kể từ khi công cụ này trở nên phổ biến trên toàn cầu trong những tháng gần đây.
Đào Vũ (T/h)