Đoàn đại biểu Quốc hội KIẾN NGHỊ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM
Hôm 13.6, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức buổi tiếp xúc công dân là vợ chồng ông Nguyễn Văn Lụm và bà Lê Thị Thôi (66 tuổi). Vợ chồng ông Lụm được TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên thắng kiện UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP.Nha Trang. Tuy nhiên, bản án có hiệu lực đã hơn 2 năm, vợ chồng ông Lụm vẫn chưa được thi hành án xong. Vợ chồng ông đã gửi đơn "cầu cứu" nhiều nơi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Hữu Trí, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cho biết đây là lần đầu tiên đoàn tổ chức tiếp công dân liên quan đến bản án hành chính của địa phương.
Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa còn mời 18 cơ quan ban, ngành cùng tham dự, gồm: Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh, Sở Tư pháp, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Đoàn luật sư… và bên phải thi hành án là UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP.Nha Trang.
Có mặt tại buổi tiếp xúc công dân, đại diện cho Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, luật sư Phan Bạch Mai (Phó chủ nhiệm đoàn), cho biết phía UBND TP.Nha Trang viện lý do đang gửi tài liệu chứng cứ, kèm theo đơn đề nghị tái thẩm nên chưa thể thi hành xong bản án.
"Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật thì các cá nhân, tổ chức phải thi hành, trừ trường hợp Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao có văn bản chỉ đạo tạm dừng, tạm đình chỉ thi hành án. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có bất kỳ văn bản nào liên quan, vì vậy bản án phải được thi hành để đảm bảo quyền lợi của người dân", luật sư Bạch Mai nêu quan điểm tại buổi làm việc.
Hôm 6.7, ông Hà Quốc Trị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, chủ trì buổi tiếp đã ra kết luận. Thứ nhất, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP.Nha Trang, UBND xã Vĩnh Ngọc và các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức thi hành bản án. Thứ hai, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, ý kiến của công dân và các cơ quan có liên quan, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ phân tích, đánh giá và có văn bản kiến nghị cơ quan T.Ư xem xét, xử lý trách nhiệm công vụ của các cơ quan có liên quan về việc thi hành bản án, trong trường hợp bản án không được tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.
SƠ THẨM XỬ THUA, PHÚC THẨM THÌ THẮNG
Theo bản án phúc thẩm năm 2021 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lụm và bà Lê Thị Thôi có thửa đất 297, với diện tích 920 m2 của gia tộc để lại, mà gia đình ông đang canh tác.
Năm 2017, vợ chồng ông Lụm đã nhiều lần đến UBND xã Vĩnh Ngọc để làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), nhưng không được chấp nhận vì bị cho rằng thuộc đất công ích (đất 5%). Năm 2019, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc và Chủ tịch UBND TP.Nha Trang ra quyết định giải quyết khiếu nại đã bác đơn của vợ chồng ông.
Vì thế, vợ chồng ông Lụm đã khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa hủy hai quyết định giải quyết khiếu nại của UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP.Nha Trang; buộc 2 cơ quan hành chính nhà nước này xác định thửa đất không thuộc đất công ích (đất 5%). Đồng thời yêu cầu hai cơ quan này xem xét, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ xác định quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông theo quy định.
Ngược lại, phía người bị kiện cho rằng, yêu cầu này không có cơ sở chấp nhận.
Năm 2020, TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm, đã bác đơn yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Lụm. Sau đó, vợ chồng ông đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên.
Tòa phúc thẩm nhận định, theo sổ dã ngoại năm 1994 thì đất của ông Lụm không ghi là đất 5%. Tại kết luận thanh tra năm 2017, kèm theo biểu thống kê chi tiết các thửa đất công ích (đất 5%), do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý có xác nhận của Chủ tịch UBND xã năm 2016, có phần đất các hộ chưa ký hợp đồng thuê đất nhưng không có thửa đất của ông Lụm…
Từ đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Lụm.
CHÍNH QUYỀN CHƯA TUÂN THỦ CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
Sau khi bản án có hiệu lực, UBND TP.Nha Trang có đơn đề nghị Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Giữa năm 2022, TAND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định buộc thi hành án hành chính đối với Chủ tịch và UBND xã Vĩnh Ngọc, Chủ tịch và UBND TP.Nha Trang.
Cuối tháng 6.2022, UBND xã Vĩnh Ngọc ra văn bản thực hiện bản án phúc thẩm, theo đó cơ quan này xác định thửa đất của vợ chồng ông Lụm "không thuộc đất công ích 5%, nhưng thuộc đất công do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý". Còn UBND TP.Nha Trang ra thông báo "hủy quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đối với vợ chồng ông Lụm đã bị hủy theo bản án phúc thẩm".
Tháng 8.2022, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đề nghị UBND xã Vĩnh Ngọc giải thích rõ: "Thửa đất 297 do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý được hiểu như thế nào theo quy định pháp luật về đất đai".
Ba tháng sau, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: "Việc Chủ tịch UBND TP.Nha Trang không thực hiện nghĩa vụ thi hành án về xác định thửa đất, cũng như việc Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc xác định quyền sử dụng đất thuộc đất công, là không phù hợp với nhận định trong bản án của tòa án, thể hiện chưa tuân thủ các quy định pháp luật".
Từ đó, Viện KSND tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND TP.Nha Trang thi hành ngay bản án, kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc tiến hành kiểm tra lại việc xác định quyền sử dụng thửa đất, đảm bảo theo đúng nhận định của bản án.
Cuối năm 2022, UBND TP.Nha Trang lại tiếp tục có văn bản gửi Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét tài liệu chứng cứ mới được phát hiện, để xác định thửa đất của ông Lụm là đất 5%, do UBND xã Vĩnh Ngọc quản lý.
Đồng thời, để tránh hậu quả khi thực hiện bản án phúc thẩm, sẽ xem xét cấp giấy CNQSDĐ cho hộ ông Lụm, sau đó họ sẽ chuyển nhượng cho người khác, UBND TP đề nghị tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm.
Ngoài ra, đầu tháng 1.2023, Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Nha Trang rà soát, tổ chức thi hành và chỉ đạo UBND xã Vĩnh Ngọc thi hành dứt điểm bản án. Đồng thời, xem xét trách nhiệm đối với người phải thi hành án trong trường hợp chậm thi hành, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.
Tiếp đó, ngày 9.3, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang lại có có đơn đề nghị tái thẩm bản án, chứ không phải là giám đốc thẩm như trước đó. Tháng 4.2023, Viện KSND tối cao ra thông báo không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.
Ở tuổi 70, già yếu, mấy năm nay, vợ chồng ông Lụm không biết bao nhiêu lần đi lên đi xuống vất vả; đến nay họ phải nhờ người cháu gái thay mặt đi "cầu cứu" các cơ quan ban ngành. "Vợ chồng tôi nhiều bệnh tật, không làm được gì, phải trông cậy vào con cái. Nhưng 5 đứa con của chúng tôi cũng khó khăn, đều là lao động tự do. Đứa thì làm sơn nước, đứa đi biển, bán hàng tạp hóa… Tôi chỉ mong chính quyền sớm cấp giấy CNQSDĐ, để gia đình tôi yên tâm ổn định cuộc sống", ông Lụm buồn bã nói.
(còn tiếp)