Phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đã dành cả ngày hôm qua (18-7) để các bị cáo và luật sư được nêu quan điểm bào chữa sau khi viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án.
"Bị cáo không ép bức doanh nghiệp"
Trong hơn 10 phút trình bày phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, ba lần xin được tuyên dưới mức án tử hình để "vẫn còn cơ hội sửa chữa lỗi lầm". Kiên trình bày với giọng nhỏ nhẹ, đôi lúc run run khi nhắc đến những cáo buộc, mức án mà viện kiểm sát đề nghị trong phần luận tội.
Giống như các phiên xử trước, Kiên tiếp tục khẳng định "không gây khó khăn cho doanh nghiệp".
"Tổ công tác năm bộ có một group trên ứng dụng Viber để các lãnh đạo trao đổi liên quan công tác cấp phép chuyến bay "giải cứu". Mỗi lần Bộ Ngoại giao gửi văn bản để các bộ cho ý kiến thì đều đề nghị Bộ Y tế khẩn trương trả lời", Kiên đưa ra dẫn chứng để khẳng định không gây khó khăn làm chậm tiến độ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kiên tiếp tục đưa ra hàng loạt dẫn chứng để biện minh rằng các doanh nghiệp cảm ơn mình sau khi thực hiện chuyến bay "giải cứu", chứ "bị cáo không đòi hỏi". Trong phần này, Kiên hai lần khẳng định "không ép bức doanh nghiệp" như phần luận tội quy kết và lời khai của một số bị cáo khác.
Cựu thư ký cũng phản bác lại lời khai của một số doanh nghiệp về việc mình ép đưa tiền, nếu không đưa thì không được duyệt cấp phép chuyến bay "giải cứu".
"Tất cả việc bị cáo nhận tiền doanh nghiệp là đúng nhưng bị cáo không phải ép bức hay bắt doanh nghiệp đóng tiền", Kiên phân trần.
"Thời điểm dịch xảy ra ở Hà Nội, bị cáo thường xuyên tháp tùng thứ trưởng đi công tác phòng chống dịch ở nhiều tỉnh thành, bị cuốn vào guồng công việc mà không nhận thức được hành vi sai trái khi nhận tiền của doanh nghiệp.
Khi nhận thức được, gia đình mới biết bị cáo nhận của doanh nghiệp bao nhiêu tiền, bị cáo cũng tác động gia đình nộp lại, nguyện vọng sẽ đóng 100% số tiền đã nhận hối lộ nên xin hưởng sự khoan hồng", Kiên khai đến đây thì bật khóc và xin "được hưởng mức án tù" để có cơ hội trở về...
Ông Kiên được cơ quan công tố ghi nhận đã trả 12 tỉ đồng cho các doanh nghiệp trong giai đoạn điều tra, đồng thời nộp 15 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Tại phiên tòa hôm qua, luật sư thông báo cựu thư ký đã nộp thêm 8 tỉ đồng.
Mong nhân dân tha thứ
Trong phần bào chữa, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng cùng các thuộc cấp ở Bộ Ngoại giao đều tỏ ra ăn năn và nói "thành khẩn nhận lỗi".
"Khi tham mưu đề xuất chính sách, tôi không bao giờ dám có bất cứ tham mưu hay hành vi nào để trục lợi chính sách. Liên quan trực tiếp đến chuyến bay combo, cá nhân tôi đã nỗ lực hết sức để xây dựng các quy trình, triển khai", ông Tô Anh Dũng phân trần.
Bị cáo buộc nhận 21,5 tỉ đồng nhưng ông Dũng tiếp tục biện minh cho hành vi nhận hối lộ của mình là do "nhận thức đơn giản".
"Quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, xuất phát từ nể nang và mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp được triển khai sớm theo chủ trương của Nhà nước nên đã tiếp xúc.
Với nhận thức khi đó còn đơn giản, tôi không làm trong quản lý kinh tế nên không phân biệt được ranh giới giữa hành vi dân sự nhận tiền cảm ơn và hành vi phạm tội", ông Dũng nói và cho biết khi bị điều tra, được công an giải thích và đọc hai quyển sách luật nên đã nhận thức được sai phạm.
Cuối phần trình bày, ông Tô Anh Dũng bật khóc xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt đối với cá nhân, đồng nghiệp ở Bộ Ngoại giao, và các bị cáo ở một số bộ ngành khác.
Giống như ông Dũng, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cũng biện minh cho hành vi nhận hối lộ của mình là do "nhận thức chưa đầy đủ về việc nhận quà cảm ơn" và mong "nhân dân tha thứ cho lỗi này của bị cáo".
Bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong nhóm quan chức ngoại giao tổng 25 tỉ đồng, nhưng khi bào chữa, bà Lan phân trần quá trình phê duyệt chuyến bay "luôn đặt lợi ích nhân dân trên tất cả". "Bị cáo coi công dân mắc kẹt như người thân của gia đình cần phải hỗ trợ đưa về nước sớm nhất, hiệu quả nhất", lời của cựu cục trưởng.
Trước đó, trong phần luận tội, viện kiểm sát nhiều lần khẳng định dù các bị cáo đưa ra nhiều lý do để biện minh nhưng hành vi của họ "chính xác là nhận hối lộ". Về lời khai "nhận thức tiền doanh nghiệp đưa là cảm ơn", viện kiểm sát khẳng định đây là cách đánh tráo khái niệm "lập lờ đánh lận con đen".
Cựu phó chủ tịch UBND Hà Nội nhận là "tội đồ của thành phố"
Bào chữa tại tòa, ông Chử Xuân Dũng (cựu phó chủ tịch UBND Hà Nội) nói rất đau đớn khi dốc hết sức tham gia chống dịch, nhưng vì nhận tiền mà thành "tội đồ của thành phố".
Về cáo buộc nhận hối lộ, ông Dũng cho rằng chỉ một lần gặp hai người đưa tiền là Trần Minh Tuấn và Ngọc Anh, còn "không nhớ mặt mũi và tên của hai công ty".
Cựu phó chủ tịch không chối tội, song phản bác lời khai của Ngọc Anh rằng "được doanh nghiệp trả công theo chuyến bay". Lời khai này khiến ông "thấy rất ấm ức, khó chịu".
Ông Dũng bị cáo buộc với vai trò trưởng ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch của Hà Nội, có trách nhiệm, quyền hạn duyệt, ký chủ trương cách ly trên địa bàn thủ đô. Do đó, ông được các công ty lữ hành nhờ cấp công văn với mức "bôi trơn" 1 - 2 triệu đồng/khách.
Ông Dũng đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa người từ nước ngoài về cách ly. Cựu phó chủ tịch sau đó 7 lần nhận tiền của 2 người tổng cộng 2 tỉ đồng. Ông bị viện kiểm sát đề nghị 4 - 5 năm tù về tội nhận hối lộ.
Hầu hết các cựu quan chức trong nhóm nhận hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu" đều được đề nghị mức án dưới khung hình phạt, duy nhất Phạm Trung Kiên bị đề nghị tử hình.