Tại diễn đàn "Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" sáng 19/7, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh.
Ở thời điểm khó khăn về thị trường, cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong khu vực, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Hiếu, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần thiết thực hiện cải cách thể chế. Ông cho rằng thể chế hiện tại không chỉ tạo thủ tục hành chính, mà còn tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ lớn.
Ông lấy ví dụ, dự thảo quyết định định mức tái chế vừa được bàn thảo, ngoài thủ tục hành chính, dự kiến những doanh nghiệp không tự tái chế phải nộp khoản tiền cho Quỹ bảo vệ môi trường hay dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, về mặt lý thuyết, một quy định pháp luật tạo ra 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.
“Do vậy, cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật” ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực hiện cải cách thể chế hiện nay đang đối mặt với 4 thách thức. Đó là cắt giảm chi phí tuân thủ từ những quy định hiện hành; lo lắng chi phí mới sẽ phát sinh từ quy định đang dự thảo và sẽ ban hành như định mức tái chế, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; những chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí kinh doanh như thuế carbon; các nước trong khu vực đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ, tăng lợi thế cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra những khó khăn và một số đề xuất với mong muốn cải cách thể chế hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, các doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó.
Do đó, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ Covid-19.
Thứ hai, ông Hiếu cho rằng về lâu dài cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bộc phát từ chính các cơ quan ban hành thể chế sẽ không hiệu quả.
Trong tình hình Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên.
Đồng quan điểm với ông Hiếu, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã cho thấy những khó khăn rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Theo bà Minh, những năm gần đây, dư địa của mô hình tăng trưởng truyền thống dựa chủ yếu trên mở rộng khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động phổ thông đã suy giảm đáng kể.
“Bối cảnh này đã đặt ra rủi ro về “bẫy thu nhập trung bình” nếu đất nước ta không sớm tìm được những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cộng hưởng với khó khăn từ suy giảm tổng cầu của thế giới, các cấu phần của tổng cầu trong nước như tiêu dùng cuối cùng, đầu tư công cũng đang gặp khó khăn không nhỏ”, bà Minh nhận định.
Thực tế, để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài. Bà Minh cho rằng, đối với những khó khăn thì cần những giải pháp thể chế mang tính căn cơ, lâu dài để giải quyết.
Cụ thể, đối với những vấn đề khó khăn, khách quan của thế giới, chúng ta cần có một nền kinh tế tự chủ, độc lập, tự cường để dù có những biến động nào chúng ta cũng đều có thể chủ động kiểm soát.
Bà Minh nhấn mạnh: “Nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt, thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, của quốc gia, nếu có sự chồng chéo, mâu thuẫn, quá trình vận hành thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”.