Hội đồng thẩm định liên ngành (TĐLN) vừa thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Trong đó, hội đồng đề nghị TP.HCM và tỉnh Tây Ninh rà soát tổng mức đầu tư dự án.
Hai địa phương góp vốn đầu tư cao tốc
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 50 km, trong đó đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3 km, đoạn qua TP.HCM dài hơn 23 km. Dự án được phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1 bốn làn xe nhưng giải phóng mặt bằng (GPMB) một lần với quy mô sáu làn xe cho giai đoạn 2. Cao tốc có tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 20.889 tỉ đồng.
Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 50 km, trong đó đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3 km, đoạn qua TP.HCM dài hơn 23 km. Đồ họa: THÙY TRANG |
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Trong đó, vốn nhà nước khoảng 9.932 tỉ đồng (gồm vốn ngân sách trung ương 2.900 tỉ đồng, TP.HCM và Tây Ninh lần lượt góp số tiền 5.500 tỉ đồng và 1.532 tỉ đồng để thực hiện công tác GPMB và tái định cư). Vốn nhà đầu tư 10.957 tỉ đồng.
TP.HCM đề xuất tách công tác GPMB thành dự án độc lập và giao cho TP.HCM và tỉnh Tây Ninh triển khai trên địa bàn mình. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến 2027. Thời gian nhà đầu tư thu hồi vốn cho dự án là 20 năm.
Sau khi xem xét tổng mức đầu tư, Hội đồng TĐLN đề nghị UBND TP.HCM bổ sung thuyết minh, làm rõ cơ sở tính toán chi phí xây dựng và thiết bị của dự án, cập nhật các số liệu suất vốn đầu tư theo quy định. UBND TP.HCM và tỉnh Tây Ninh cũng cần cập nhật số liệu về kinh phí GPMB, tái định cư của dự án sau khi điều chỉnh hướng tuyến qua khu vực đất quốc phòng, an ninh làm tăng chiều dài tuyến thêm 460 m.
Về chi phí xây dựng và thiết bị, hội đồng nhận thấy mức đề xuất gần gấp đôi dự án Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 60 km với quy mô bốn làn hạn chế. Vì vậy, đề nghị rà soát suất vốn đầu tư theo quy định, thuyết minh so sánh thêm với các dự án có quy mô, điều kiện địa hình tương tự.
Về chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác, Hội đồng TĐLN cho là khá cao (10%-12,23%) so với trung bình của 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam (khoảng 7,19%). Vì vậy hai địa phương phải rà soát để thống nhất lại.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong quá trình thẩm định dự án, địa phương đã có văn bản cam kết cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo vốn cho dự án.
Cạnh đó, địa phương khẳng định việc xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cùng với các dự án giao thông đã và đang khai thác trong khu vực như vành đai 3, vành đai 4... sẽ thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM với Campuchia. Đặc biệt dự án còn góp phần phá thế độc đạo cho Quốc lộ 22.
Nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương chưa được chấp thuận
Đối với phần vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương khoảng 2.900 tỉ đồng từ nguồn tăng thu năm 2022 để hỗ trợ GPMB, Hội đồng TĐLN cho rằng hiện nguồn vốn này chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Còn ngân sách địa phương, hội đồng cũng đề nghị hai tỉnh báo cáo Hội đồng TĐLN xem xét, quyết định về phương án sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ dự án. Trong đó, thống nhất lại số liệu vốn ngân sách địa phương hỗ trợ dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, giai đoạn 1 đầu tư bốn làn xe nhưng hồ sơ và các tài liệu kèm theo chưa thống nhất cách thức thể hiện nội dung về quy mô dự án được đầu tư ở giai đoạn 1. “Cạnh đó, giai đoạn hoàn chỉnh theo quy hoạch và dự kiến GPMB cho sáu làn nhưng thuyết minh trong báo cáo là 6-8 làn…” - Hội đồng TĐLN nêu vấn đề mâu thuẫn trong hồ sơ dự án.
Cũng theo Hội đồng TĐLN, dự án có thời gian hoàn vốn là 20 năm, tuy nhiên hồ sơ không đề cập cụ thể đến thời hạn hợp đồng của dự án, đồng thời phương pháp xác định thời gian hoàn vốn là chưa phù hợp. Thêm vào đó, việc kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với cao tốc Bavet - Phnom Penh (Campuchia) chưa được triển khai. Vì vậy, TP.HCM cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ Ngoại giao để thống nhất phương án kết nối hai tuyến cao tốc, bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực và tính hài hòa, tổng thể của dự án.
Hội đồng TĐLN cũng đề nghị TP.HCM làm rõ khả năng cung cấp các loại vật liệu xây dựng cho dự án, đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Song song đó, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, thẩm quyền của TP.HCM đối với việc chủ trì, làm đầu mối triển khai thực hiện dự án…•
Lợi nhuận nhà đầu tư quá cao
Bộ GTVT cho biết theo tờ trình của địa phương phần vốn BOT do nhà đầu tư huy động 10.957 tỉ đồng, chiếm khoảng 52% tổng mức đầu tư và dự kiến giải ngân từ năm 2024 đến 2027. Đây là mức vốn tương đối lớn đối với nhà đầu tư trong điều kiện hiện nay.
Về phương án tài chính, Bộ GTVT cho rằng lợi nhuận vốn chủ sở hữu 13% mỗi năm như tư vấn báo cáo là cao so với thực tế và các dự án tương tự đã, đang triển khai. Thêm vào đó, hồ sơ TP.HCM trình có mức giá khởi điểm dự kiến với phương án đầu tư bốn làn tiêu chuẩn là 2.100 đồng/km/xe nhóm 1 và phương án đầu tư bốn làn hạn chế là 1.900 đồng/km/xe nhóm 1 vào năm 2028 (mức tăng giá vé định kỳ 15% sau mỗi ba năm). Mức giá khởi điểm cơ bản là tương đương với các dự án đã và đang triển khai nếu được tăng giá theo đúng lộ trình.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng thực tế các dự án BOT giao thông vừa qua hầu hết chưa được áp dụng theo mức giá dự kiến trong các hợp đồng đã ký, ảnh hưởng rất lớn đến phương án tài chính dự án và dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Vì vậy, hai tỉnh cần nghiên cứu kỹ mức tăng giá vé để tính toán đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.