Đầu tháng này, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng được bổ nhiệm làm Bí thư đảng ủy của PBOC. Động thái này khiến thị trường ngạc nhiên, khi diễn ra chỉ vài ngày trước khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có chuyến thăm Trung Quốc. Nó cũng được đưa ra sau khi hàng loạt số liệu kinh tế kém lạc quan khiến đồng nhân dân tệ xuống thấp nhất 15 năm so với đôla Mỹ.
Giới phân tích tại Trung Quốc cho rằng động thái này sẽ mở đường cho việc bổ nhiệm Pan vào chức Thống đốc PBOC, thay thống đốc hiện tại là Yi Gang. Nhưng hiện tại, Pan Gongsheng đang phải đối mặt với nhiệm vụ cấp bách. Đó là ra quyết định liệu có cần bảo vệ đồng nhân dân tệ hay không, và bằng cách nào?
Giá nhân dân tệ năm nay lao dốc khi nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng trưởng ì ạch. Các nhà kinh tế học và một số quan chức Bắc Kinh lo ngại đà giảm này có thể biến thành sự hỗn loạn, gây bất ổn cho cả hệ thống tài chính Trung Quốc. Tuy nhiên, đẩy giá nội tệ lên cao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có kéo tụt tăng trưởng của Trung Quốc và có thể là cả thế giới.
Theo Wall Street Journal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Pan vì danh tiếng và kinh nghiệm về hợp tác với các quan chức nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc gần đây không đề cập nhiều đến các ưu tiên của Bắc Kinh. Việc này sẽ giúp Pan có nhiều dư địa trong việc hoạch định chính sách với nhân dân tệ.
Pan là người có nhiều kinh nghiệm quốc tế. Nhưng ông cũng biết lựa chính sách cho phù hợp với các ưu tiên của lãnh đạo cấp cao.
Trong những năm đầu khi ông Tập mới nắm quyền, Pan ủng hộ tự do hóa tài chính, tăng ảnh hưởng của các yếu tố thị trường với nền kinh tế. Việc này giúp nhân dân tệ được giao dịch tự do hơn, nhưng cũng yếu đi. Đến khi nhân dân tệ giảm quá mạnh, Pan ủng hộ siết kiểm soát vốn để phù hợp với yêu cầu bình ổn nội tệ, dù điều này khiến tăng trưởng chịu tác động.
6 tháng qua, nhân dân tệ đã giảm 6% so với USD. Tháng trước, có thời điểm tỷ giá là 7,2 nhân dân tệ đổi một đôla Mỹ - tiến sát mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Vài ngày gần đây, PBOC ra tín hiệu sẽ không khoanh tay đứng nhìn giá nhân dân tệ giảm mạnh. Tỷ giá hiện vẫn quanh 7,2 CNY một USD.
Dù vậy, sức ép với đồng tiền này được dự báo còn kéo dài. Nguyên nhân là PBOC được kỳ vọng tiếp tục hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh các nước phương Tây ráo riết nâng lãi để ghìm lạm phát. Sự chênh lệch về lãi suất sẽ khiến nhà đầu tư rút tiền khỏi Trung Quốc, gây sức ép lên nhân dân tệ. Tình hình này hiện khá giống Nhật Bản.
Giới phân tích cho rằng kể cả đồng đôla vài tháng tới yếu đi, điều này cũng không thay đổi được xu hướng giảm của nhân dân tệ, nếu chính phủ Trung Quốc không can thiệp và kinh tế Trung Quốc không tăng trưởng mạnh. Nước này đã gây dựng bộ đệm lớn để bảo vệ nhân dân tệ khi cần thiết, trong đó có 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Một phần thách thức của Pan hiện là kinh tế Trung Quốc không mạnh như vài năm trước, khiến PBOC không có nhiều lựa chọn. Nếu để thị trường tự do hơn, nhân dân tệ có thể tiếp tục đi xuống, kéo xuất khẩu lên cao. Nhưng nếu nhân dân tệ rơi vào vòng xoáy giảm giá thêm nữa, dòng vốn rút ra có thể khiến Trung Quốc bất ổn, từ đó lan ra cả thế giới.
Lựa chọn khác là can thiệp mạnh tay để bảo vệ nội tệ, nhưng sẽ khiến hàng xuất khẩu Trung Quốc giảm lợi thế. Việc này cũng sẽ khiến PBOC không thể tiếp tục giảm lãi suất, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước này và cả thế giới.
Một vài nhà phân tích cho rằng Pan có thể chọn cách can thiệp để làm chậm lại đà giảm của nhân dân tệ trong ngắn hạn. Việc này sẽ giúp ông xây dựng niềm tin với các lãnh đạo – những người luôn cần ổn định kinh tế. Sau đó, Pan sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để kêu gọi quản lý nhân dân tệ theo hướng thị trường nhiều hơn, như ông và những người tiền nhiệm mong muốn.
Pan học ngành kinh tế trong nước, sau đó làm nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Cambridge cuối thập niên 90. Ông cũng làm nghiên cứu sinh vài tháng tại Đại học Harvard năm 2011.
Sự nghiệp của Pan thăng hoa sau khi chỉ đạo việc tái cấu trúc và niêm yết tại Mỹ cho hai ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc những năm 2000. Pan làm việc tại PBOC năm 2012 với vai trò phó thống đốc.
Năm 2016, ngay sau khi được chọn làm người phụ trách ngoại hối tại ngân hàng trung ương, Pan thuyết phục các lãnh đạo cấp cao áp hạn chế nghiêm ngặt với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm ngăn dòng vốn chảy ra. Khi đó, việc dòng tiền chạy khỏi Trung Quốc đã làm nhân dân tệ yếu đi, buộc PBOC chi 1.000 tỷ USD (tương đương 25% dự trữ ngoại hối khi đó) để giải cứu.
Giới chức Trung Quốc sau đó cũng phải áp dụng nhiều rào cản pháp lý để ngăn dòng tiền rời Trung Quốc. Việc này kéo tụt nỗ lực suốt nhiều năm của những người như Pan - là thu hút đầu tư vào Trung Quốc và giúp doanh nghiệp nước này dễ dàng đổ tiền ra nước ngoài.
Dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn khen ngợi Pan vì ông đã giải thích cho họ chính sách của PBOC. Ngay sau khi áp các chính sách kiểm soát vốn cuối năm 2016, ông tham gia một diễn đàn do Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc tổ chức và nói với những người tham dự rằng ưu tiên số một của PBOC khi đó là bảo vệ sự ổn định của thị trường ngoại hối.
Năm 2018, khi nhân dân tệ một lần nữa chịu sức ép, Pan cũng lên tiếng cảnh báo những người đặt cược vào nhân dân tệ giảm giá.
Việc ông Tập chọn Pan vào vị trí lãnh đạo tại PBOC nhận được sự ủng hộ của nhiều quan chức kinh tế Trung Quốc, từ Phó thủ tướng Lưu Hạc đến cựu thống đốc Zhou Xiaochuan và thống đốc hiện tại Yi Gang.
"Pan là lựa chọn của sự tiếp nối chính sách và kiến thức về kỹ trị. Trong bối cảnh Trung Quốc gặp nhiều thách thức kinh tế và chính trị biến động như hiện tại, đây là ưu tiên hàng đầu", Michael Hirson – cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ kết luận.
Hà Thu (theo WSJ)