Vừa qua, Báo Thanh Niên đăng loạt bài về thực trạng người dân dù được tòa tuyên thắng kiện, nhưng UBND và chủ tịch UBND không thi hành án nên họ mòn mỏi, gian nan gõ cửa cầu cứu khắp nơi nhờ giải quyết. Để làm rõ vấn đề này, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Bộ Tư pháp.
Tỷ lệ bản án thi hành chưa cao
Ông có thể cho biết tình hình thụ lý và kết quả thi hành bản án, quyết định của tòa án về án hành chính trong những tháng đầu năm 2023?
Ông Nguyễn Văn Lực: Tổng cục THADS với chức năng là cơ quan tham mưu cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính. Qua đó, chúng tôi tham mưu tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư tại một số địa phương. Trong năm 2022 đã kiểm tra tại Đắk Lắk và Thanh Hóa.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số bản án đã được thi hành xong tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số bản án hành chính chưa được thi hành xong.
Thưa ông, đã có cơ quan, tổ chức nào bị xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự về việc không chấp hành bản án chưa?
Đến hết cuối tháng 3, còn 681 bản án chưa thi hành xong. Những địa phương còn tồn đọng nhiều vụ án hành chính chưa thi hành xong như: TP.HCM, Hà Nội, Kiên Giang, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó, có thể kể đến một số nguyên nhân chính.
Công tác thi hành án hành chính thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy hành chính nhà nước. Mặc dù, số liệu tuyệt đối các bản án hành chính thi hành xong cơ bản tăng qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ bản án thi hành xong trên tổng số phải thi hành chưa cao. Số bản án, quyết định chưa thi hành xong chuyển sang năm sau còn nhiều.
Thực tế, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức phải chứng minh được lỗi cố ý không chấp hành án. Hiện, chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực của tòa án.
Việc xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án, mà chậm thi hành án chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thực tế, việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức phải chứng minh được lỗi cố ý không chấp hành án. Hiện, chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực của tòa án.
Ý thức chưa đầy đủ
Theo ông, lý do vì sao án hành chính tồn đọng còn khá nhiều?
Về chủ quan, tôi thấy nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật thi hành án hành chính của người đứng đầu một số cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có nơi còn chưa đầy đủ.
Ở một số địa phương, người đứng đầu UBND còn có nhận thức thi hành án hành chính là công việc của cơ quan chuyên môn, của cơ quan THADS. Vì vậy thiếu sự đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện các bản án, quyết định của tòa án, mà chính mình là người phải thi hành án.
Về khách quan, luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71 đã có những điều chỉnh sửa đổi, bổ sung quan trọng như: Quy định về cơ chế tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án, có thẩm quyền ra quyết định buộc thi hành án hành chính, trong trường hợp người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ tự nguyện chấp hành. Đồng thời quy định về chế tài xử lý kỷ luật đối với người không chấp hành bản án; công khai thông tin người không chấp hành án hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin của hệ thống THADS…
Thế nhưng, tôi thấy rằng những cơ chế này mới chỉ dừng lại ở việc tạo "áp lực" mà chưa mang tính cưỡng chế, bắt buộc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải thi hành bản án.
Cơ quan THADS có chịu áp lực nào khi người phải thi hành án lại là UBND và chủ tịch? Giải pháp khắc phục để bản án, quyết định của tòa án được thực thi?
Theo quy định, thi hành án hành chính là cơ chế "tự thi hành án". Bên phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, phải ban hành một quyết định hành chính, thực hiện một hành vi hành chính theo phán quyết của tòa án. Do đó khi làm việc với người phải thi hành án, chấp hành viên và cơ quan THADS cũng có tâm lý e ngại nhất định.
Trong thời gian tới, Tổng cục THADS sẽ tham mưu Bộ Tư pháp tổ chức các buổi làm việc và các đợt kiểm tra liên ngành tại các địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài. Đối với các trường hợp chậm hoặc không chấp hành án hành chính sẽ kiên quyết kiến nghị làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.
Tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành các quy định liên quan đến trách nhiệm của UBND theo quy định của luật Tố tụng hành chính. Để từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, chúng tôi sẽ tham mưu Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71 để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính trên thực tế... (còn tiếp)
Phải xử lý kỷ luật mới công bằng với người dân
Trả lời Thanh Niên về quá trình tiếp công dân, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, cho biết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay trong án hành chính là việc chậm trễ, trì hoãn, không tổ chức và cố tình không thi hành bản án của UBND và chủ tịch UBND.
Hầu hết chủ tịch UBND không tham gia phiên tòa, rồi ủy quyền cho cấp phó, sau đó cấp phó lại ủy quyền cho nhân viên, đến khi có bản án rồi lại không thi hành bản án. Như vậy, chính cơ quan nhà nước lại không gương mẫu, nghiêm túc thực hiện đúng quy định pháp luật.
Người dân vi phạm quy định pháp luật như không chấp hành bản án thì có thể bị phạt hành chính, phạt tù. Thế nhưng, khi UBND hoặc chủ tịch UBND không chấp hành án thì lại không bị xử lý. Nếu chúng ta không xử lý kỷ luật cán bộ, không đình chỉ công tác của họ, thì tình trạng chậm thi hành án, không chấp hành án sẽ còn kéo dài. Vì vậy, vô tình có thể tạo ra sự bất công, thiếu công bằng giữa công dân với cơ quan nhà nước.
Ban Dân nguyện thực hiện chức năng giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội. Khi cần thiết, chúng tôi sẽ chuyển đơn, thư đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân.