Theo báo Bangkok Post ngày 20-7, Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) đã giành vị thế chủ động thành lập chính phủ mới sau khi lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat bị đình chỉ tư cách nghị sĩ và tước tư cách ứng viên thủ tướng.
Pheu Thai hiện đứng trước lựa chọn tiếp tục sát cánh cùng MFP theo như biên bản ghi nhớ đã ký hồi tháng 5 hoặc bắt tay với các đảng của chính phủ đương nhiệm để thành lập liên minh mới.
Các đảng nhiều khả năng sẽ lập liên minh với Đảng Pheu Thai bao gồm Đảng Bhumjaithai của Phó thủ tướng Anutin Charnvirakul, Đảng PPRP của Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon và Đảng Chartthaipattana của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Varawut Silpaarcha.
Báo Bangkok Post dẫn nguồn quan chức Pheu Thai cho biết đảng này đã có sự ủng hộ của cả ba đảng trên. Nếu phối hợp, liên minh bốn đảng này sẽ chiếm 282 ghế tại Hạ viện, đủ để thành lập một chính phủ ổn định.
Đặc biệt, vì hầu hết 250 thượng nghị sĩ Thái Lan có quan hệ mật thiết với lãnh đạo Đảng PPRP Prawit Wongsuwon, khả năng những người này sẽ ủng hộ ứng viên thủ tướng của Đảng Pheu Thai sẽ khá cao.
Tuy nhiên nếu liên minh mới với các đảng trên, nhiều khả năng Đảng Pheu Thai sẽ phải cho Đảng MFP "ra rìa".
Cả ba đảng đều phản đối chủ trương sửa luật khi quân của Đảng MFP và từng tuyên bố sẽ không tham gia liên minh nào có đảng này.
Ông Charnvirakul - lãnh đạo Đảng Bhumjaithai - khẳng định hôm 19-7: "Nếu Đảng Pheu Thai lãnh đạo việc thành lập chính phủ mới và liên minh này vẫn có Đảng MFP, tôi sẽ không tham gia. Tôi cũng không muốn một chính phủ thiểu số".
Về phần mình, sau phiên họp Quốc hội hôm 19-7, lãnh đạo Đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew cho biết: "Hiện tại, Đảng Pheu Thai vẫn chung tay cùng các đảng trong liên minh. Tôi chưa thể nói chi tiết về việc có xem xét lại biên bản ghi nhớ hay không vì cả 8 thành viên liên minh sẽ phải thảo luận vấn đề này trước. Chúng tôi cũng sẽ bàn về việc có cho các đảng khác gia nhập hay không".
Trong khi đó, nguồn tin của báo Bangkok Post khẳng định: "Đảng MFP sẽ không bị ép phải rời liên minh mới do Đảng Pheu Thai dẫn đầu. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cho họ tự cân nhắc việc có tham gia hay không, vì việc họ tiếp tục tham gia chắc chắn sẽ dẫn đến bế tắc".
Chủ tịch Hạ viện Wan Muhamad Noor Matha đã lên lịch cho vòng bầu cử thủ tướng tiếp theo vào ngày 27-7.
Ông Pita bị tước tư cách ứng viên thủ tướng
Chiều 20-7, Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu thông qua việc tước tư cách thủ tướng với lãnh đạo Đảng MFP Pita Limjaroenrat, với 312/395 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu ủng hộ việc tước tư cách thủ tướng của ông Pita.
Trước đó, các nghị sĩ đã dành hàng giờ tranh luận về việc liệu việc tái đề cử ông Pita vào vị trí thủ tướng có được phép hay không.
Những người phản đối viện dẫn quy định số 49 của Quốc hội về việc cấm nêu lại một kiến nghị không thành công cho Quốc hội trong cùng một kỳ họp. Họ cho biết ông Pita đã không thành công trong lần bỏ phiếu trước và không có diễn biến mới nào giải thích cho việc đề cử lại.
Chủ tịch Quốc hội Thái Lan cho biết Quốc hội đã bỏ phiếu và quyết định không đề cử lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat làm thủ tướng.