Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ bị xử lý
Hóa đơn là chứng từ ghi nhận thu chi, là cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước kê khai các loại thuế, quyết toán, hạch toán và làm các báo cáo tài chính cuối năm.
Nếu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp bị phát hiện sẽ bị xử phạt, thậm chí bị xử lý hình sự. Tổng cục Thuế gần đây có văn bản thông báo đã phát hiện hơn 520 doanh nghiệp bán hóa đơn không hợp pháp. Vì vậy, những doanh nghiệp nào có giao dịch về hóa đơn với các doanh nghiệp này đang phải chủ động rà soát, giải trình với cơ quan thuế về việc sử dụng những hóa đơn đó, để tránh bị xử.
Một trong số trên 400 doanh nghiệp đã được Cục Thuế tỉnh Quảng Trị mời đến trụ sở để giải trình về việc sử dụng hóa đơn với các doanh nghiệp rủi ro cao về hóa đơn. Sau khi được giải thích, doanh nghiệp đã nhận biết được hậu quả của việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Nếu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp bị phát hiện sẽ bị xử phạt, thậm chí bị xử lý hình sự. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Một số người nộp thuế đã giải trình với cơ quan thuế và cam kết có mua bán hàng hóa dịch vụ thực tế. Tuy nhiên sau khi có thông báo của cơ quan thuế, người nộp thuế nhận thấy rủi ro nên đã chủ động loại số thuế giá trị gia tăng đầu vào và loại khỏi chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Cục Thuế Quảng Trị đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các công văn chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp phòng ngừa và xử lý các vi phạm về hóa đơn.
"Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền địa phương kiểm tra tình trạng hoạt động của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để rà soát các doanh nghiệp có xuất hóa đơn bán hàng hóa là đất, cát, sỏi trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, Cục Thuế cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an xử lý các trường hợp có dấu hiệu tội phạm về hóa đơn", ông Nguyễn Ngọc Tú, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Trị, thông tin.
Cục Thuế các tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và chế tài xử lý trong Luật Quản lý thuế số 38 để người nộp thuế tránh vi phạm.
"Hóa đơn thuộc lỗi của người bán thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 142. Tuy nhiên người sử dụng hóa đơn hợp pháp nhưng không chứng minh được điều này, có nghĩa thuộc diện bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế", bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay.
"Hàng tháng, trên cơ sở rà soát, phân tích dữ liệu của các doanh nghiệp rủi ro cao, cơ quan thuế sẽ phát hiện nhanh chóng chênh lệch giữa số liệu tờ khai thuế giá trị gia tăng với dữ liệu hóa đơn điện tử và yêu cầu người nộp thuế có số liệu chênh lệch giải trình. Với những người nộp thuế không giải trình được, không chứng minh được số thuế đã nộp là đúng thì cơ quan thuế sẽ tiến hành các bước kiểm tra tiếp theo để đảm bảo sàng lọc ra được những người nộp thuế tuân thủ tốt và những người nộp thuế cố tình không tuân thủ", bà Phan Thị Như Lý, Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 2, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói.
Tổng cục Thuế cho biết đang công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán hóa đơn đã bị cơ quan công an khởi tố để người dân, doanh nghiệp biết, góp phần cảnh báo, răn đe các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.
"Ngành thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với Cơ quan điều tra - Bộ Công an để truy vết xử lý doanh nghiệp mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hóa đơn", ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế, nhận định.
Hậu quả mua bán hóa đơn trái phép
Từ giữa năm 2022, ngành thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đang lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để có các hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa số thuế phải nộp. Các thủ thuật cũng đang ngày càng tinh vi hơn.
Hậu quả là làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan thuế và gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Cần vốn cho sản xuất nhưng doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn khi đề nghị Cục Thuế TP Hà Nội hoàn trên 12 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng. Bởi trong bộ hồ sơ này có một vài hóa đơn mua hàng của doanh nghiệp đã giải thể.
"Thời gian qua kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã giải thể, không kê khai nộp thuế thì đơn vị chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Trong bộ hồ sơ đó, toàn bộ thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ", ông Nguyễn Thảnh, Giám đốc Công ty Thiết bị điện LiOA Đồng Nai, cho biết.
Là người đại diện tư vấn cho nhiều doanh nghiệp bị chậm trễ trong hoàn thuế, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc các doanh nghiệp ngừng hoạt động là quy luật tất yếu của thị trường nên không thể bắt các doanh nghiệp còn đang hoạt động gánh chịu hậu quả của việc giao dịch hóa đơn với những doanh nghiệp này.
"Doanh nghiệp làm sao khẳng định được trước đây mình đã quan hệ bán hàng cho doanh nghiệp còn sống hay đã phá sản, đang còn hoạt động hay không, nhất là sau đại dịch, người chết lúc nào còn không biết nói chi đến doanh nghiệp", Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, nhận định.
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ doanh nghiệp được thành lập chỉ để bán hóa đơn bất hợp pháp cho các doanh nghiệp sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tiền ngân sách và tiền hoàn thuế đã được cơ quan công an phát hiện.
Thực tiễn này khiến cơ quan thuế thận trọng khi xác minh đầu vào của các doanh nghiệp có rủi ro cao. Nhiều trường hợp còn phải chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ khiến quá trình thẩm định hồ sơ kéo dài hàng năm.
"Chúng tôi phải đi xác minh hóa đơn đầu vào với trường hợp có rủi ro. Chúng tôi phải xác minh với đơn vị nhập khẩu ở nước ngoài. Qua xác minh cho thấy có trường hợp đầu vào là F1 chưa phát hiện rủi ro, đến F2 là phát hiện rủi ro, lúc đó phải làm việc với doanh nghiệp xem có thực sự mua bán không và hóa đơn có hợp pháp không", ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, cho hay.
Hàng loạt vụ doanh nghiệp được thành lập chỉ để bán hóa đơn bất hợp pháp cho các doanh nghiệp sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tiền ngân sách và tiền hoàn thuế đã được cơ quan công an phát hiện.
"Ngành thuế tiếp tục rà soát đối với các cá nhân, tổ chức mua bán hóa đơn, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế, hợp thức hàng hóa trôi nổi, giảm chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp; xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật", ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế, khẳng định.
Tổng cục Thuế cũng sẽ tăng cường kiểm tra xác minh các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của nhà nước.
Phòng chống hóa đơn bất hợp pháp
Vậy làm thế nào để ngăn chặn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp? Tổng cục Thuế hiện đã thành lập Trung tâm phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử phục vụ công tác phân tích, quản lý rủi ro sử dụng hóa đơn điện tử. Đến nay, 63 Cục Thuế trên cả nước đã triển khai sử dụng hệ thống, hỗ trợ kiểm soát việc sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
"Với nguồn lực hạn chế về cán bộ thuế, trong khi khối lượng hóa đơn điện tử ngày càng tăng, cơ quan thuế không thể dàn trải nguồn lực để kiểm soát toàn bộ quá trình phát hành và sử dụng hóa đơn của mọi người nộp thuế. Do vậy cần có biện pháp phân tích rủi ro để xác định các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận sử dụng hóa đơn để tập trung vào các đối tượng rủi ro cao đó để thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Sắp tới, để phòng ngừa từ sớm, từ xa việc xuất hóa đơn khống, ngành thuế sẽ cảnh báo tới người nộp thuế về sự bất thường trong việc sử dụng hóa đơn ngay khi xuất hóa đơn. Ngoài ra với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn cũng sẽ tìm ra các chuỗi mua bán hàng hóa, từ đó xác định ra những trường hợp nghi ngờ mua bán hóa đơn có nhiều doanh nghiệp tham gia", bà Nguyễn Thu Trà, Trưởng Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế, thông tin.
Triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những nỗ lực của ngành tài chính thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh những mặt tích cực, hóa đơn điện tử cũng đang nảy sinh một số vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục khắc phục.
Không chỉ tạo thuận lợi, ngành thuế cũng đang kiên quyết xử lý nghiêm hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn bất không hợp pháp, trong đó có cả sự hỗ trợ của ngành công an, của các bộ ngành địa phương, hướng tới môi trường kinh doanh lành mạnh và chống thất thu ngân sách nhà nước.
VTV.vn - Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế địa phương thông báo mời doanh nghiệp liên quan đến 524 doanh nghiệp có rủi ro cao để chứng minh việc sử dụng hóa đơn là hợp pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.47860610202703202-pahp-poh-tab-nod-aoh-gnud-us-poh-gnourt-meihgn-yl-ux/et-hnik/nv.vtv