Bộ Xây dựng cho biết, tại nhiều địa phương, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng này.
Hiện đã có 14/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét, công bố danh mục tổng số 39 dự án với tổng mức đầu tư 43.406,28 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vay vốn là 17.869,48 tỷ đồng.
Cùng đó, 9 UBND cấp tỉnh đã công bố danh mục 17 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Các dự án này có tổng vốn đầu tư 16.839,1 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vay vốn là 8.920,45 tỷ đồng.
Cụ thể số dự án của các địa phương này bao gồm: Bình Dương 4 dự án, Đà Nẵng 3; An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh cùng có 2 dự án; các tỉnh còn lại là Tây Ninh, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang cùng có 1 dự án.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các dự án được phê duyệt sẽ giải ngân khoảng 7,4% số vốn trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Nếu các UBND cấp tỉnh tiếp tục thông qua danh mục do Sở Xây dựng đang trình thì sẽ có thêm khoảng 9.000 tỷ đồng nữa - xấp xỉ 7,4% gói tín dụng này được giải ngân.
Từ đầu tháng 4, Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Gói tín dụng này được triển khai nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5 vẫn chưa giải ngân được dòng vốn này. Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu 22 địa phương trọng điểm báo cáo nhu cầu vay vốn và các khó khăn, vướng mắc khi triển khai gói vay ưu đãi.
Theo đó, vướng mắc trong giải ngân gói 120.000 tỷ đồng được phản ánh là chưa có dự án để cho vay. Bởi vậy, Bộ Xây dựng cũng đã rà soát, liên hệ trực tiếp với các địa phương và chủ đầu tư để tìm hiểu nguyên nhân.
Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù đã có 108 dự án đã được công bố, nhưng các địa phương còn đang trong quá trình tổng hợp, công bố. Cùng đó, hầu hết các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư. Còn cho đến nay, Bộ Xây dựng chưa nhận được phản ánh từ chủ đầu tư về khó khăn liên quan đến thủ tục, hồ sơ vay vốn, ông Hoàng Hải thông tin.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 2 quý đầu của năm 2023, cả nước đã có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công với quy mô gần 18.800 căn; trong đó, có 6 dự án nhà ở xã hội quy mô hơn 7.700 căn và 3 dự án nhà ở công nhân với khoảng 11.000 căn.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện các địa phương cấp phép xây dựng dự án nhà ở xã hội đã được tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay. Đến nay, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Argibank) bắt đầu cho vay trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Trong số đó, BIDV là ngân hàng đầu tiên ký hợp đồng tín dụng tài trợ dự án nhà ở xã hội theo chương trình 120.000 tỷ đồng. Cụ thể, BIDV sẽ tài trợ 99 tỷ đồng cho dự án Khu nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02 (thuộc Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, TP Việt Trì, Phú Thọ), bao gồm cấp tín dụng 95 tỷ đồng và cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai 4 tỷ đồng.
VTV.vn - Bộ Xây dựng cho biết, đã có 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện được vay từ gói 120.000 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.93703519102703202-gnod-yt-000021-iog-auc-yav-ohc-gnout-iod-couht-na-ud-801/et-hnik/nv.vtv