Chiều 20-7, đoàn đại biểu khách mời trung ương và các tỉnh thành đã tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cách xử lý môi trường trong nuôi tôm điển hình của tỉnh Bạc Liêu.
Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Hội thảo giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm do báo Tuổi Trẻ phối hợp tỉnh Bạc Liêu tổ chức.
Tại điểm nuôi tôm siêu thâm canh xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, các đại biểu đã tham quan quy trình nuôi, tìm hiểu về cách xử lý nước cấp vào ao tôm, xử lý nước thải.
"Nuôi tôm quan trọng nhất là nguồn nước, nước có sạch tôm mới phát triển tốt. Nếu nguồn nước thải từ ao tôm bị ô nhiễm, người dân lân cận cũng bị ảnh hưởng theo, dịch bệnh sẽ tác động lại đối với đầm tôm mình", anh Nguyễn Văn Đông (hộ nuôi tôm tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) chia sẻ.
Nhiều đại biểu của đoàn cũng quan tâm đến cách áp dụng xử lý nước như thế nào để đạt hiệu quả cao, giảm ô nhiễm môi trường xung quanh. Vấn đề này được nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh lâu năm chia sẻ.
"Trước nuôi tôm cứ thấy nước xấu là thay ra, cấp nước mới vào. Tuy nhiên, cách làm này thường sử dụng rất nhiều nước, vừa tốn chi phí cải tạo nước vừa tốn chi phí xử lý nước thải ra môi trường.
Hiện một số hộ nuôi áp dụng quy trình nuôi tuần hoàn nước cho hiệu quả rất cao về môi trường bởi ít tốn công xử lý nước, đỡ tốn chi phí do dùng vi sinh. Mong rằng hội thảo lần này sẽ lan tỏa được câu chuyện hiệu quả ở địa phương để nhiều người nuôi biết và áp dụng", một hộ nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu mong muốn.
Trong bối cảnh nguồn nước cấp bị ô nhiễm, nhiều hộ dân và doanh nghiệp nuôi tôm đã ứng dụng các công nghệ sử dụng ít nước hoặc công nghệ tuần hoàn để tái sử dụng nguồn nước, đem lại hiệu quả cao trong quản lý môi trường lẫn chất lượng con tôm.