Sau khi Matxcơva rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, ngày 19-7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố kể từ 0h ngày 20-7 (giờ Matxcơva) Nga sẽ coi tất cả các tàu thuyền di chuyển trên Biển Đen đến các cảng của Ukraine là "tàu chở hàng hóa có thể dùng cho mục đích quân sự".
Không kích tại các cảng
Theo Hãng tin Tass, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo sẽ xem các nước có quốc kỳ cắm trên tàu đi đến cảng biển Ukraine là những bên ủng hộ Kiev trong xung đột hiện nay.
Theo bộ này, nhiều khu vực thuộc vùng biển quốc tế phía tây bắc và đông nam của Biển Đen đã được tuyên bố là tạm thời nguy hiểm cho hoạt động hàng hải. Cảnh báo của Nga đồng nghĩa các tàu thuyền của Ukraine và những nước khác khi tới các cảng Ukraine ở Biển Đen có thể bị tấn công.
Các quan chức Mỹ còn nói họ nắm được thông tin Nga đã đặt thêm thủy lôi ở lối tiếp cận các cảng của Ukraine. Trong lúc đó tình hình tại các thành phố của Ukraine cũng đang "nóng" hơn.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 20-7, Nga tiếp tục tấn công vào các khu cảng của Ukraine sau khi đã phát cảnh báo nói trên. Thống đốc vùng Mykolaiv của Ukraine Vitaliy Kim cho biết ít nhất 18 người bị thương trong cuộc không kích của Nga vào thành phố cảng này. Trong khi đó nhà chức trách ở Odessa thông tin có 2 người bị thương trong đêm không kích thứ ba tại đây.
Sau khi con tàu cuối cùng rời Ukraine theo thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào cuối tuần trước, Nga cũng đã tấn công Odessa vào đêm 17 và 18-7. Có 3 cảng của vùng này thời gian qua là những cảng còn lại ở Ukraine hoạt động trong thỏa thuận ngũ cốc.
Giới chức Ukraine cho biết các nhà kho, trung tâm mua sắm, khu dân cư, tòa nhà hành chính... đã bị hư hại trong các cuộc tấn công đêm 18-7. Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine cáo buộc Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh, trong đó có tên lửa Kh-22 vốn được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay, để tấn công cơ sở hạ tầng cảng Odessa.
Tìm lộ trình thay thế
Ukraine và Nga nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Hôm 19-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá việc Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và có thể làm tăng giá lương thực, đặc biệt ở các nước nghèo.
Giá lúa mì giao sau ở Mỹ ngày 19-7 đã tăng 8,5% - mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, theo Reuters.
Cả Ukraine và Nga đều nói đang tìm các giải pháp thay thế để duy trì nguồn cung ngũ cốc sau khi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc sang châu Phi, Trung Đông và châu Á sụp đổ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa qua đã trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan về những cách cung cấp ngũ cốc cho "các quốc gia cần nhất". Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chủ trì cuộc họp chính phủ ở Kiev và "vấn đề số 1 được thảo luận là xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển và an ninh cảng".
Ngày 19-7, Ukraine cho biết đang thiết lập một tuyến đường vận chuyển tạm thời qua Romania, nước láng giềng cũng giáp Biển Đen.
Quyền Bộ trưởng Cộng đồng, lãnh thổ và phát triển cơ sở hạ tầng Ukraine Vasyl Shkurakov cho biết mục đích của tuyến đường này là tạo điều kiện khơi thông hoạt động vận tải biển quốc tế ở khu vực tây bắc Biển Đen.
Trong khi đó các khách hàng mua lúa mì ở châu Á đang tìm kiếm nguồn cung thay thế. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà buôn ở Singapore: "Có thể họ sẽ nhìn vào châu Âu và hàng hóa từ các nhà xuất khẩu qua Biển Đen khác như Romania và Bulgaria. Úc vẫn còn lúa mì để bán từ vụ thu hoạch năm ngoái".
Nga quay lại thỏa thuận ngũ cốc?
Ngày 19-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây đã làm sai lệch hoàn toàn mục đích nhân đạo ban đầu của thỏa thuận ngũ cốc, biến nó thành công cụ kiếm lời và gây thiệt hại trực tiếp cho nông dân Nga.
Theo Hãng tin Tass, ông Putin cũng tuyên bố sẵn sàng quay trở lại sáng kiến ngũ cốc ngay lập tức nếu tất cả các yêu cầu của Matxcơva trong thỏa thuận được đáp ứng, trong đó có nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu với lương thực và phân bón của Nga.
Gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được Ukraine xuất khẩu kể từ "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" được ký kết một năm trước.