Thông tin trên vừa được Chi cục Thuế quận Bình Thạnh công bố sau khi tập trung rà soát hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn sau gần một năm chính thức sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại nghị định 123.
Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thật, không ít doanh nghiệp chỉ muốn tìm lợi nhuận ngoài sản xuất. Nộp ít thuế, nôm na là trốn thuế cũng là nguồn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Một số cá nhân khai thác kẽ hở của việc cấp đăng ký kinh doanh, bởi chỉ cần sử dụng giấy tờ tùy thân của bất cứ cá nhân nào đều có thể đăng ký đại diện doanh nghiệp mà không cần chứng minh nhân thân, địa chỉ trụ sở hay cơ sở kinh doanh.
Siết đăng ký kinh doanh để chống xuất khống hóa đơn?
Bình luận về vấn đề trên, bạn đọc Vũ bức xúc: "Chuyện vô lý hết sức là quy định, quy trình thành lập doanh nghiệp vô cùng lỏng lẻo: không xác minh nhân thân của đại diện pháp luật, không xác minh địa điểm kinh doanh có tồn tại hay không.
Rồi đến lúc có chuyện thì cơ quan thuế phải xử lý quá tải. Chuyện này tồn tại cả chục năm mà không thay đổi quy định cho chặt chẽ hơn".
Một bạn đọc cung cấp thêm thông tin cụ thể: "Trong ngành nhập khẩu thực phẩm, rất nhiều công ty ma được lập ra. Những công ty này nhập hàng về khai gian thuế nhập khẩu và gian lận trốn thuế VAT.
Từ "lợi thế" đó họ cạnh tranh giá với các doanh nghiệp làm đúng theo pháp luật, khiến doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ không thể nào sống được".
"Quy định một số mặt hàng không cần hóa đơn đầu vào như vàng, nông lâm thủy sản là kẽ hở để doanh nghiệp khai khống đầu vào, xuất khống đầu ra, mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế" - bạn đọc Minh Trần bổ sung.
Còn bạn đọc Nguyễn Trung Tuyến cho rằng: "Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển là đúng nhưng nhiều doanh nghiệp lại lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Đề nghị đăng ký kinh doanh phải có địa điểm kinh doanh".
Cần thay đổi cách giám sát
Theo một số chuyên gia lĩnh vực thuế, ngành thuế triển khai hóa đơn điện tử với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh nhưng hệ thống cảnh báo rủi ro, tra soát hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế lại chưa hoàn thiện và hiệu quả. Chưa kể, cán bộ thuế lại quá tải do mỗi công chức phải quản lý hàng ngàn doanh nghiệp.
Bạn đọc Tien Do có ý kiến: "Vấn đề vẫn ở hệ thống giám sát/cảnh báo yếu kém. Đã xuất hóa đơn điện tử thì đúng ra phải xây dựng hệ thống kiểm soát tức thời, dữ liệu luôn có sẵn, có gì bất thường thì phải có biện pháp xử lý ngay. Phòng hơn chống, vậy mà cơ quan thuế vẫn chỉ loay hoay chống chứ không phòng được mấy".
Vì vậy bạn đọc Minh Trần yêu cầu: "Ngành thuế cần thay đổi cách quản lý. Nếu cứ để doanh nghiệp thoải mái xuất hóa đơn rồi chạy theo rà soát, giải trình kiểu chơi cút bắt như hiện nay thì vừa không hiệu quả, vừa quá tải cho cán bộ thuế. Đây là lỗ hổng rất lớn để các doanh nghiệp ma hoạt động".
Theo bạn đọc Xứ Dừa, nên đưa công nghệ vào quản lý để giảm tải cho cán bộ công chức thuế, thay vì phải căng mắt giám sát từng doanh nghiệp!
Bạn đọc Nguyễn Văn Chu góp ý giải pháp: "Cần quy định cứ xuất hóa đơn thì phải nộp ngay phần thuế VAT vào tài khoản của cơ quan thuế. Sau bao nhiêu ngày thì cơ quan thuế phải tự động hoàn lại phần thuế đó cho doanh nghiệp".
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Phi cho rằng ngoài soát xét góc độ bên bán hóa đơn thì cần phải thanh tra và làm kỹ hơn góc độ người mua. Nếu người mua hóa đơn khống sẽ bị loại bỏ, truy thu thuế.
Đồng thời truy cứu trách nhiệm của người mua, vì cố ý thu mua hóa đơn khống để trốn thuế. Bên cạnh đó tiến hành thanh tra thuế ngay đơn vị mua về việc thực hiện xuất hóa đơn đầu ra có đầy đủ theo quy định không.
Trong 34.000 tỉ đồng hóa đơn do công ty yến sào này xuất ra, chỉ có 40 triệu đồng là hàng thật, còn lại là xuất khống.