Ngày 21-7, đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai vềviệc chấp hành các quy định chính sách pháp luật về năng lượng, năng lượng tái tạo giai đoạn 2016-2021 tại địa phương này.
Ông Bùi Văn Cường - tổng thư ký Quốc hội - cho biết đoàn giám sát đi 11 địa phương để có báo cáo cho Quốc hội.
Kiến nghị nên có Luật Năng lượng tái tạo
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Quế - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết các dự án đã phát huy hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Quế, việc phát triển năng lượng tái tạo vướng nhiều quy định; quản lý đầu tư, chất lượng công trình chưa đồng bộ.
"Việc người dân không thống nhất, liên tục có khiếu kiện về việc bồi thường đất đai ở nhiều dự án, nhất là tại các dự án điện gió cũng khiến tiến độ không đảm bảo" - ông Quế nêu vấn đề.
Ông Quế kiến nghị Quốc hội xây dựng và ban hành Luật Năng lượng tái tạo hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực theo hướng đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào (trong luật sửa đổi).
Cần cơ chế bồi thường quanh hành lang tháp điện gió
Làm rõ thêm vấn đề này, ông Phạm Nguyên Hùng - phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương - cho biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy định về bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn tháp điện gió. Việc này giúp các địa phương bớt lúng túng, người dân yên tâm hơn.
Về việc "thế nào là khu dân cư", ông Hùng khẳng định việc người dân làm nhà trên lô, rẫy mà không có quy hoạch đất ở là xây trái phép, không được hỗ trợ.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng giai đoạn 2016-2021 đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước về phát triển năng lượng.
Tỉnh đã sớm có những quy hoạch về thủy điện (2012), điện năng lượng tái tạo (2018) để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về câu chuyện lãng phí, ông Cường nhìn nhận có trách nhiệm của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
"Cho người ta xây dựng mà không có hệ thống truyền tải, tiêu thụ thì đây là câu chuyện trách nhiệm. Anh cho chủ trương đầu tư thì phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình đối với các dự án, tránh gây lãng phí" - ông Cường khẳng định.
Chiều cùng ngày, đoàn giám sát đã có chuyến đi thực tế và làm việc tại dự án điện gió Ea Nam do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk).
Ông Nguyễn Tâm Thịnh - chủ tịch tập đoàn Trung Nam, giám đốc dự án điện gió Ea Nam cho biết dự án có công suất 400MW, đóng góp 1,1 tỉ kwh/năm vào nguồn điện quốc gia.
Dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương (thuế thu nhập doanh nghiệp 3.000 tỉ đồng, nộp ngân sách tỉnh 250 tỉ đồng/năm), phúc lợi cho người dân vùng dự án.
"Đề nghị đoàn giám sát có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ xem xét lại cơ chế giá bán điện để nhà đầu tư đủ chi phí để trả lãi ngân hàng. Ngoài ra, nếu với những công nghệ doanh nghiệp trong nước làm được, đề nghị Nhà nước ứng tiên để phát huy nội lực" - ông Thịnh đề xuất.
Vẫn còn nhiều dự án năng lượng tái tạo trong quá trình đàm phán giá bán điện với EVN.