Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo
Báo Người Lao Động dẫn nguồn Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ ngày 21/7 thông tin Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo thông dụng. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, trừ một số trường hợp như: Lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm thông báo; các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền; con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp; lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng nói trên là đến 31/8.
Ngoài ra, những lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó cũng được xuất khẩu.
Dự báo giá gạoViệt Nam sẽ tăng
Theo báo Đầu Tư, Việt Nam hiện là nước nhập khẩu gạo lớn của Ấn Độ về khối lượng. Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367.500 tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngay với các đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ở các khu vực để được hướng dẫn.
Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo thông dụng (trừ gạo đặc sản basmati) sẽ có tác động lớn lên thương mại gạo toàn cầu vì thị phần của nước này chiếm đến 40%. Dự báo sau động thái này, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng lớn vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới.
Những năm gần đây, nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về Việt Nam tăng vọt, nhất là với mặt hàng gạo tấm. Giá gạo nhập khẩu rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).
Theo các doanh nghiệp, gạo nhập từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp thương mại gạo trong nước lo ngại nhất là việc quản lý gạo nhập khẩu không chặt, dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp nhập gạo về, trà trộn xuất xứ gạo Việt Nam để xuất đi.
Nhìn nhận về tác động khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE chia sẻ với báo Công Thương, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nguyên nhân đến từ việc hạn hán, cộng với lạm phát trên thế giới nên tích trữ đảm bảo an ninh lương thực.
Việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo sẽ làm giá gạo thế giới tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top 3 thế giới nên sẽ có lợi thế trong xuất khẩu, đặc biệt về vấn đề giá bán.
Hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 533 USD/tấn, Thái Lan 541, Ấn Độ 493, Pakistan 533. Còn gạo 25% tấm của Việt Nam cũng lên tới 513 USD/tấn. Đây là những mức giá cao nhất lịch sử.
“Dự báo, trong ngắn hạn giá gạo xuất khẩu của Việt nam sẽ tăng khoảng 10 - 15 USD/tấn” ông Phan Văn Có cho biết.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (Tp.Cần Thơ), giá gạo xuất khẩu của công ty đang cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị mất. Trong khi đó, cũng do El Nino, ảnh hưởng mùa màng, giá gạo toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm vừa qua.
"Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nguồn cung gạo trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại khiến chúng ta có lợi thế rất lớn về xuất khẩu", ông Phạm Thái Bình nói.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre vừa tạm giữ 1.040 bao gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ (tương đương 52 tấn) không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa là trên 600 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ số lượng gạo vi phạm trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại diện Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Bến Tre) cho biết, trước tình hình mặt hàng gạo ngoại nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, ảnh hưởng đến thị trường gạo trong nước, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng gạo.
Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, vì sao Việt Nam phải nhập gần 1 triệu tấn gạo?
Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ, Campuchia...
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho biết, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước là rõ ràng, để làm bánh, bún, chế biến thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá rất thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây.
Bên cạnh đó, tại dự thảo báo cáo thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết, sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu (khoảng 6-6,5 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho xuất khẩu . Giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.
“Việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực”, Bộ Công Thương cho hay.
Trúc Chi (t/h)