Nghịch lý này gây lãng phí vốn đầu tư, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để do mỗi ngày vẫn có cả triệu m3 nước thải đổ ra môi trường, hòa lẫn với nước sông.
Từ nhà máy hiện đại, không có nước xử lý
Nằm cạnh sông Vàm Thuật, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) nằm trong khu đất rộng 2,3ha ở phường An Phú Đông, quận 12. Đây là nhà máy đầu tiên của cả nước được thiết kế để xử lý nước thải đạt loại A trước khi thải ra môi trường.
Công suất giai đoạn 1 của dự án là 131.000m3, xử lý nước thải cho lưu vực 2.058ha, gồm quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, nơi có 700.000 dân. Dự án có mục tiêu giải quyết ô nhiễm môi trường nước trầm trọng của kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật, giảm tải lượng ô nhiễm đáng kể cho sông Sài Gòn.
Dự án do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền thực hiện và đưa vào vận hành năm 2017 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.870 tỉ đồng.
Đây là dự án lĩnh vực môi trường đầu tiên tại TP.HCM thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), vận hành tự động hóa hoàn toàn.
Nhưng nghịch lý là sau bảy năm vận hành, nhà máy vẫn chưa có hệ thống cống thu gom nên không có nước thải để xử lý. Năm 2018, sau một năm đưa vào hoạt động, TP đã ký hợp đồng giao nhà đầu tư quản lý, duy tu, vận hành nhà máy "trong thời gian năm năm hoặc cho đến khi đủ nước thải vận hành được 33,33% công suất nhà máy tùy theo điều kiện nào đến sau".
Đến nay, công suất xử lý vẫn thấp hơn 33,33% nên nhà đầu tư vẫn duy trì vận hành, bảo dưỡng thiết bị... Phí vận hành do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng và được TP chi trả.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dù công suất thiết kế 131.000m3/ngày nhưng hiện nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng để tránh hư hỏng thiết bị với lượng nước xử lý mỗi ngày khoảng 7.000 - 8.000m3.
Đến có nước thải nhưng không có nhà máy xử lý
Trong khi đó, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 1 được khánh thành năm 2012 nhưng tới nay Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi ở TP Thủ Đức, thuộc giai đoạn 2, vẫn chưa làm xong.
Nhà máy xử lý nước thải này công suất 480.000m3/ngày, khởi công từ năm 2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2021 nhưng đến nay vẫn tiếp tục lùi. Nguyên nhân do quá trình triển khai dự án trầy trật, nhất là gặp phải khiếu nại của các nhà thầu trong quá trình đấu thầu, mất một thời gian dài tháo gỡ, gói thầu mới được triển khai.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), đến nay dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 mới chỉ đạt được 61% khối lượng.
Trong đó, gói thầu quan trọng nhất là Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi mới đạt 31,2%. Dự kiến nhanh nhất đến tháng 2-2026 gói thầu này mới hoàn thành và vận hành thử (chậm khoảng 13 tháng so với thời hạn hợp đồng).
Chủ đầu tư đánh giá nguyên nhân chủ quan là do nhà thầu không tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, trong khi đó lại thường xuyên theo đuổi các vấn đề về chi phí VAT, khiếu nại thay đổi nhà sản xuất thiết bị, chậm trễ trong việc thiết kế bản vẽ và các hồ sơ khác...
Còn nguyên nhân khách quan đến từ các thủ tục vay vốn, giải ngân đã thay đổi. Các khoản thuế, phí của dự án từ tháng 7-2021 không còn được thanh toán từ nguồn vốn vay ODA, mà phải thanh toán từ nguồn vốn đối ứng của ngân sách TP. "Trước mắt, Ban hạ tầng có thể bị phạt lãi do trả chậm thuế. Nếu tình hình kéo dài, chúng tôi sẽ không có đủ tiền để trả cho các nhà thầu" - chủ đầu tư nêu.
Với tốc độ xây Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi như hiện nay thì khoảng ba năm mới xong để xử lý nước thải lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dù dòng kênh này đã cải tạo kênh, xây cống từ 11 năm trước.
Hiện toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu người ở các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận được gom vào tuyến cống bao hơn 8km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), sau đó bơm ra sông Sài Gòn để... pha loãng ô nhiễm.
Tân Hóa - Lò Gốm vẫn... đen ngòm
Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm qua các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú với vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng đã hoàn thành từ tám năm trước nhưng đến nay nước vẫn đen ngòm.
Ông Triệu Văn Tâm (quận /6), sống hơn 30 năm bên cạnh dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm, chia sẻ: "Tôi ở đây lâu nên quen với mùi hôi từ kênh rồi. Ai mới tới sẽ ngửi thấy mùi liền. Cải tạo được cảnh quan thì đời sống người dân đã thay đổi nhiều, nhưng cải tạo được dòng nước nữa thì thật tốt biết mấy".
Năm 2017, liên danh Lotte E& C - Huvis Water - Honor Shine Global từng đề xuất xây dựng hệ thống cống bao và nhà máy ở phía tây TP để xử lý nước thải cho ba lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn và Bình Tân.
Nhà máy có tổng công suất 650.000m3/ngày với mức vốn đầu tư 490 triệu USD. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm này chưa có nhà máy xử lý nước thải nên ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nước kênh Tham Lương - Bến Cát còn đen đến 2028?
TP.HCM đã xin Chính phủ chủ trương đầu tư dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát với 8.168 tỉ đồng, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Đây là một giải pháp cần thiết và cấp bách để thu gom đủ nước thải về nhà máy.
Và như vậy, trong khi đợi nhà máy có đường ống và theo kế hoạch triển khai dự án phải đến 2028 thì nước thải vẫn cứ đổ ra dòng kênh.
Ghi nhận những ngày này, nước trên kênh Tham Lương đoạn qua phường 13, quận Gò Vấp có màu đen kịt, đặc quánh vì ô nhiễm. Hướng về quận 12 đoạn sông Vàm Thuật, nhiều đường ống nước thải của một số công ty, xí nghiệp và nhà dân xả thẳng ra dòng kênh này mà chưa qua xử lý bốc mùi hôi nồng nặc.
Chờ "bứt phá" từ Nghị quyết 98
Với cơ chế mới theo nghị quyết 98, TP.HCM sẽ có cơ sở gỡ vướng cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trước đây, nhất là khâu thanh toán cho nhà đầu tư.
Nhiều ý kiến tin tưởng nghị quyết 98 sẽ khơi thông ách tắc về cơ chế, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo hình thức xã hội hóa.
Cần sớm gỡ vướng
TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - nhận định Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát thiếu đồng bộ hay các dự án nhà máy xử lý nước thải chậm tiến độ sẽ gây lãng phí đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường.
Do vậy, phải khẩn trương tìm nguồn lực để khắc phục ngay. "Sông sạch, nước sạch là nhu cầu cần thiết và cấp bách của người dân TP.HCM. Một dự án thi công mà không đồng bộ, thiếu tính kết nối thì phải quyết liệt tìm nguyên nhân. Các đơn vị liên quan phải nâng cao trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ lên", ông Cương nói.
Theo TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, đối với các dự án xử lý nước thải còn dang dở của TP cần có khảo sát đánh giá tổng thể về mặt kỹ thuật từ đó làm cơ sở điều chỉnh thiết kế bổ sung.
Mục tiêu quan trọng nhất của cải tạo kênh rạch là cải thiện chất lượng nước. Do đó cần phải sớm đồng bộ hạ tầng xử lý để trả lại màu xanh cho kênh rạch. Khi đã ổn định hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải cơ bản thì nên hướng tới sử dụng công nghệ sinh học - vi sinh để xử lý các dòng kênh cùng với các trạm xử lý.
Công nghệ này có thể sản sinh ra các khuẩn có lợi cho môi trường. Song song với đó là thường xuyên nạo vét, cải tạo hệ thống cống rãnh, kênh rạch để xử lý bùn tích tụ.
Nhiều nhà máy đang chờ đầu tư
Theo quy hoạch đến năm 2025, TP.HCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất gần 3 triệu m3/ngày. Trong đó, các nhà máy có công suất lớn tập trung ở lưu vực kênh Tàu Hủ - kênh Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực Đông Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và lưu vực Tham Lương - Bến Cát.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng, TP.HCM mới đang vận hành ba nhà máy xử lý nước thải gồm Bình Hưng công suất 141.000m3/ngày, Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày, Tham Lương - Bến Cát công suất thực tế khoảng 15.000m3/ngày.
Ngoài ra còn bốn trạm xử lý nước thải của khu dân cư gồm Tân Quy Đông công suất 500m3/ngày, khu tái định cư 17,3ha Bình Khánh công suất 3.000m3/ngày, khu tái định cư Vĩnh Lộc B công suất 3.700m3/ngày, khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh công suất hơn 7.000m3/ngày.
Mỗi ngày TP.HCM thải ra xấp xỉ 1,6 triệu m3 nước thải nhưng chỉ xử lý được chưa tới 200.000m3 và có khoảng 1,4 triệu m3 nước thải vẫn đổ ra môi trường sông, kênh, rạch.
Còn theo đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM, giai đoạn 2021-2025 TP sẽ mời gọi đầu tư sáu nhà máy xử lý nước thải: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum để thi công hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Sau khi hoàn thành các nhà máy xử lý nước thải trên, tỉ lệ nước thải được xử lý trên toàn TP sẽ đạt 88,3%.
Theo các chuyên gia, nhiều dự án giao thông, đô thị tại TP.HCM triển khai theo hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực đang vướng mắc về quy trình thanh toán quỹ đất (là tài sản công).
Nay với các cơ chế mà nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua, TP.HCM sẽ có đủ thẩm quyền để quyết định việc giao đất, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang vướng mắc trong thời gian qua.
TTO - Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường cho sông Sài Gòn, nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.