Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Sở NN&PTNT các địa phương để thông tin về việc cơ quan này đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc sẽ sang kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam.
Mục đích của đợt kiểm tra này là để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi, làm căn cứ cho việc ký kết Nghị định thư giữa hai nước.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, dự kiến thời gian kiểm tra sẽ diễn ra vào giữa tháng 8. Phía Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra theo hai hình thức song song là kiểm tra trực tuyến kết hợp kiểm tra thực địa, kèm theo đó là tài liệu.
Bến Tre là địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Nội dung kiểm tra chính của Tổng cục Hải quan Trung Quốc là hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu.
Để chuẩn bị tốt cho buổi kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn và hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tham gia kiểm tra trực tuyến. Đồng thời chuẩn bị hồ sơ và tài liệu kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý, phòng chống sinh vật gây hại theo yêu cầu của phía bạn.
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng hơn 180 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Bến Tre, được coi là thủ phủ của dừa. Ngoài ra, dừa còn được trồng ở một số tỉnh duyên hải miền Trung.
Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường có nhu cầu nhập khẩu dừa rất lớn, nhưng hiện sản lượng dừa sản xuất của nước này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thị trường.