Trước đó, vào tháng 4.2023, Sở GTVT tỉnh Hải Dương có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu rõ, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng 2.000 phương tiện thủy nội địa và gần 100 phương tiện chở khách ngang sông đang hoạt động.
Qua nắm bắt tình hình, Sở GTVT tỉnh Hải Dương được biết Chi cục đăng kiểm Hải Hưng (có địa chỉ tại 448 Nguyễn Lương Bằng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nhận 191 công việc thực hiện dang dở; trong đó gồm 24 phương tiện đóng mới, 12 phương tiện hoán cải và 155 phương tiện đăng kiểm theo chu kỳ.
Nhưng với số lượng đăng kiểm viên hiện có là 3 đăng kiểm viên vỏ tàu thủy (trong đó có 1 đăng kiểm viên hạng 1; 2 đăng kiểm viên hạng 2) và 1 đăng kiểm viên máy tàu thủy (đăng kiểm viên hạng 2) sẽ khó đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, Sở GTVT tỉnh Hải Dương đã đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam có phương án bố trí tăng cường nhân lực cho Chi cục đăng kiểm Hải Hưng đáp ứng yêu cầu của các chủ phương tiện.
Ông P.K.H., chủ một doanh nghiệp vận tải đường thủy trên địa bàn TX.Kinh Môn chia sẻ, doanh nghiệp của ông có gần 100 các phương tiện vận tải đường thủy lớn nhỏ, các phương tiện hết đăng kiểm rải rác qua các tháng. Từ tháng 4 đến nay, ông mới đăng kiểm được một vài phương tiện, hiện thời còn 5 phương tiện nữa chưa đăng kiểm được.
"Chúng tôi rất sốt ruột, việc chậm đăng kiểm đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đăng kiểm phương tiện thủy rất phức tạp, mất nhiều thời gian có khi cả ngày bởi kích thước, trọng tải lớn, mà không đăng kiểm thì không đủ điều kiện lưu thông. Mặt khác, chúng tôi cũng không thể đưa phương tiện sang tỉnh, thành khác để đăng kiểm vì liên quan đến luồng, tuyến, việc di chuyển phương tiện sẽ rất tốn kém, không như ô tô, tiện ở đâu thì đăng kiểm ở đó", ông H. nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, cho biết, hiện tại Chi cục đăng kiểm Hải Hưng vẫn đang hoạt động bình thường, tuy nhiên do thiếu đăng kiểm viên nên khối lượng công việc bị ùn ứ, các phương tiện thủy đến hạn phải đăng kiểm vẫn chưa đăng kiểm được.
Vẫn theo ông Hạnh, sau khi Sở GTVT tỉnh Hải Dương có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục này đã có phản hồi trong thời gian sớm nhất sẽ bố trí tăng cường đăng kiểm viên để đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến việc ùn ứ phương tiện thủy trong việc đăng kiểm ở Hải Dương được xác định do thiếu đăng kiểm viên khi ngày 5.4, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp Chi cục đăng kiểm Hải Hưng. Cơ quan công an bắt giữ Nguyễn Hữu Dương (47 tuổi) và Lê Huy Hoàng (38 tuổi), đều là đăng kiểm viên thuộc Chi cục đăng kiểm Hải Hưng. Cả 2 bị tạm giữ để điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.
Đến ngày 20.4, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lương Đức Thái, Phó giám đốc Chi cục đăng kiểm Hải Hưng và Vũ Đức Nhất, Phó Chi cục đăng kiểm Hải Hưng để điều tra về tội nhận hối lộ. Việc bắt Thái và Nhất nằm trong quá trình mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Chi cục đăng kiểm số 6 (TP. HCM) và Chi cục đăng kiểm số 9 (Bà Rịa - Vũng Tàu) do Công an TP.HCM thực hiện.