Với số lượng phong phú trên 350 loài san hô, rạn san hô Nha Trang từng được giới khoa học đánh giá quan trọng bậc nhất Việt Nam và khu vực.
Tuy nhiên, do san hô trong vịnh đã bị suy giảm nghiêm trọng nên Nha Trang cần phải giữ bằng được Hòn Chồng, nơi cuối cùng còn lại rạn san hô có độ phủ tốt, đóng vai trò là nơi bảo tồn nguồn gene, cung cấp nguồn giống san hô giúp gây dựng lại hệ sinh thái san hô trong vịnh, theo báo cáo nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Khuyến nghị được đưa ra vào đúng mùa cao điểm du lịch ở Nha Trang và tình trạng khách du lịch tham quan giẫm đạp lên rạn san hô đã xảy ra.
Không riêng các nhà khoa học, thời gian qua báo chí cũng phản ánh về tình trạng giẫm đạp khiến san hô ở Hòn Chồng, nhất là khu vực sát bờ đã bị gãy nhiều.
"Ốc đảo" san hô duy nhất tương đối khỏe mạnh trong vịnh
Trong toàn vịnh Nha Trang, hiện chỉ còn Hòn Chồng là khu vực giữ được nhiều san hô, đặc biệt 2 giống san hô cứng quan trọng là Acropora (san hô cành) và Montipora (san hô đĩa) có vai trò tạo rạn san hô cho vịnh.
Báo cáo đặc biệt lưu ý các loài san hô cứng tạo rạn thuộc giống Acropora hiện còn rất ít, thậm chí hầu như không còn ở các nơi chúng từng phân bố rất phổ biến trong vịnh như Hòn Mun, Bích Đầm, Hòn Rùa.
Tháng 7-2022, theo biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu với tỉnh Khánh Hòa, trung tâm đã khảo sát và lập bản đồ hiện trạng phân bố san hô khu vực Hòn Chồng.
Lúc đó, Hòn Chồng có khoảng 10 loài san hô cứng tạo rạn quan trọng và bước đầu ghi nhận hơn 20 loài cá rạn về cư trú.
Đáng chú ý, trong ba vùng của Hòn Chồng, Bắc Hòn Chồng với diện tích san hô 2,33ha, có độ phủ san hô lên tới 70%, là nơi có đa dạng cao về các loài san hô cứng có vai trò tạo rạn.
Các loài san hô tạo rạn có vai trò rất quan trọng trong việc định hình tạo "nền móng" xây dựng "khu đô thị" san hô với các tầng lớp, tán che để các sinh vật biển đẻ và các ấu trùng, con non trú ngụ.
Hiện tượng Hòn Chồng vẫn còn là "ốc đảo" san hô duy nhất tương đối khỏe mạnh trong vịnh, có thể do nhiều yếu tố, trong đó có thời gian dài đóng biển do giãn cách trong đại dịch COVID-19 nên san hô ở khu vực này không chịu sức ép từ con người và phục hồi tốt; khu vực này không bị bùng phát sao biển gai ăn san hô như các khu vực khác.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát vào tháng 7-2023 cho thấy các rạn san hô Hòn Chồng đều đang suy thoái nghiêm trọng do bị giẫm đạp, gãy đổ.
San hô sẽ phục hồi nếu bảo vệ nghiêm ngặt
Ông khuyến nghị cần ngay lập tức khoanh vùng (có thể bằng phao) bảo vệ các rạn san hô khu vực Hòn Chồng (theo bản đồ trung tâm đã cung cấp); các nhà khoa học theo dõi quá trình tự phục hồi của các rạn san hô để có các khuyến nghị bảo tồn; tuyệt đối nghiêm cấm các hoạt động giẫm đạp lên san hô, neo đậu tàu thuyền và đánh bắt cá trong các vùng được bảo vệ.
Để bảo vệ được tốt nhất, không chỉ thường xuyên theo dõi, tuần tra, giám sát các vùng bảo vệ san hô (có thể lắp camera, cắm biển), mà cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng tại các điểm đón khách du lịch, các đại lý du lịch…
Đồng thời, cần có biện pháp quản lý toàn diện để quản lý chất thải ven bờ đổ ra biển (chất thải, nước thải...) và dọn rác ở các rạn san hô (dọn lưới đánh cá, rác thải nhựa, dây thừng...).
Để thấy rõ hơn về mức độ suy giảm nhanh chóng của rạn nếu không có các giải pháp khẩn cấp, có thể nhìn vào quá trình suy giảm của các rạn Hòn Rùa, hay rạn trước bến du thuyền của vịnh Nha Trang.
Rạn san hô Hòn Rùa (4,47ha) từng có độ phủ khoảng 10 - 30%, tuy nhiên hiện nay rạn đã bị suy thoái hoàn toàn. Ở đáy rạn chỉ còn lại các vết tích của san hô cành và các loài san hô khác đã chết, cầu gai, sao biển.
Rạn đá trước bến du thuyền (14,08ha) cũng từng có độ phủ khoảng 10 - 30%, tuy nhiên hiện nay độ phủ san hô ở đây không quá 2%. Loài san hô cứng còn sót lại vỏn vẹn khoảng 20m2 và rải rác một ít san hô mềm, rong nho.
Tuy vậy không phải chúng ta đã hoàn toàn hết hy vọng vào khả năng phục hồi của rạn san hô. Tiến sĩ Phạm Duy Nam cho biết có một số dấu hiệu tích cực về khả năng phục hồi san hô tự nhiên đã được ghi nhận ở các bờ kè ven biển.
"Chúng tôi tin rằng các bãi san hô ở đây có thể phục hồi sau một thời gian nếu chúng được bảo vệ nghiêm ngặt", ông Nam nói.
Chiều 22-7, ông Huỳnh Bình Thái - trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang - cho hay rạn san hô ở Hòn Chồng đang có dấu hiệu phục hồi.
Việc san hô gãy đổ ngoài tác động của tự nhiên cũng có tác động từ con người. Mỗi khi thủy triều hạ san hô lộ ra, người dân, du khách có ra khu vực này để bắt ốc, cá trong các rạn san hô hoặc có thể cạy bẻ san hô (nhưng trường hợp này ban chưa phát hiện).
"Tổ công tác của ban quản lý vịnh và các phường, thành phố vẫn thường xuyên tổ chức tuyên truyền. Tuy nhiên vẫn có tình trạng người dân leo lên các rạn san hô gần bờ khi vắng lực lượng. Hiện đối với rạn san hô xa bờ đang hồi phục, một số san hô gãy đổ, suy thoái có thể do tác động tự nhiên" - ông Thái nói.
Theo nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sinh tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm...
TTO - Dự án "Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến" ở Phú Yên được xem là mô hình điểm cộng đồng bảo vệ san hô ven biển tại Việt Nam.