Tổng thống gợi ý tìm phần còn thiếu của bảo vật quốc gia
"Chúng tôi đã rất mừng khi biết hiện vật bị thiếu trên tượng bồ tát Tara thực sự vẫn có thể tìm thấy. Từ thắc mắc của tổng thống Ấn Độ, sau đó chúng tôi đã xúc tiến ngay để "châu về hợp phố"" - ông Huỳnh Hùng, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng - nói.
Cuối năm 2018, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã ghé Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Ông cùng phu nhân đặc biệt thích thú với số lượng hiện vật quý đồ sộ đang được lưu giữ ở đây. Khi hướng dẫn viên giới thiệu tới bảo vật quốc gia tượng bồ tát Tara thì tổng thống Ấn Độ đã ngắm nghía rất lâu bức tượng đồng này.
"Được giới thiệu các chi tiết giá trị của bức tượng này, tổng thống phát hiện dấu vết bất thường trên hai tay rồi hỏi cô Loan, hướng dẫn viên ở đây.
Cô Loan trả lời là tượng còn thiếu con ốc và đóa sen.
Lúc bấy giờ anh Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mới hỏi hướng dẫn viên là có biết nó lưu lạc ở đâu không? Thật may cô Loan biết chính xác nó vẫn còn được giữ ở xã Bình Định Bắc. Lúc đó chúng tôi vừa bất ngờ, vừa mừng lắm" - ông Hùng kể.
Sau chuyến thăm của tổng thống Ấn Độ, với quyết tâm hoàn nguyên bảo vật nên ngành văn hóa Đà Nẵng đã cử đoàn vào xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình) để tìm hiểu phần còn thiếu của bảo vật quốc gia.
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng đã có công văn gởi các ban ngành tỉnh Quảng Nam và nhân dân xã Bình Định Bắc để "xin" hiện vật.
Chính quyền và nhân dân xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình) khi biết điều này cũng đã cử đoàn ra bảo tàng để tham quan tượng bồ tát Tara và đồng ý giao hiện vật.
Thận trọng hơn, tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản gởi Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Sau đó được trả lời: "Trường hợp này hiện vật trở về hiện vật gốc là tốt nhất".
"Đi được 90% đoạn đường, bỏ cuộc thì tiếc lắm"
Ông Hùng nói sau rất nhiều nỗ lực vẫn chưa nhìn thấy "châu về hợp phố" là điều ông canh cánh sau khi nghỉ hưu.
Bởi lẽ phần khó nhất là xin được hiện vật thì nhân dân xã Bình Định Bắc đã "gật đầu".
Với từng ấy văn bản, ý kiến thống nhất và sự hợp lý khi hiện vật hợp nguyên để phát huy giá trị thì vấn đề đã "đi được tới 90% đoạn đường".
"Quảng Nam với Đà Nẵng thì như một. Nhưng do biến động nhân sự rồi dịch bệnh nên có sự gián đoạn trao đổi của cả hai bên. Vấn đề này tiên trách kỷ hậu trách nhân. Đà Nẵng muốn nhận thì phải xốc xáo lên, phải sốt sắng ngồi lại với Quảng Nam để thống nhất thì mới ra việc được" - ông Hùng nói.
Ông Võ Văn Thắng, nguyên giám đốc Bảo tàng Điêu khắc chăm Đà Nẵng, cho biết tượng được công nhận bảo vật quốc gia vì đây là hiện vật bằng đồng duy nhất về bồ tát Tara. Với niên đại hơn 1.200 năm thì đây là bức tượng đồng lớn, lại nguyên vẹn nên khó đo đếm hết giá trị.
"Việc hiện vật được về với tượng thì quá tốt, quá hợp lý. Việc này không thể chậm trễ hơn được nữa" - ông Thắng nói.
Tượng Bồ tát Tara, bảo vật quốc gia có gốc từ Phật viện Đồng Dương, vẫn thiếu hai hiện vật trên cánh tay. Tỉnh Quảng Nam giữ hai hiện vật trên cánh tay, Đà Nẵng giữ tượng, còn người dân địa phương chờ lời hứa hỗ trợ từ các bên.